Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thu mua và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương. Ảnh: TTXVN
Xét nghiệm trên diện rộng, phong tỏavới quy mô hẹp
Nhấn mạnh những thay đổi trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, dịch vẫn diễn biến phức tạp, lãnh đạo các địa phương phải luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ khi nào để chủ động xây dựng các kịch bản đối phó. Bên cạnh việc chuẩn bị các phương án về địa điểm, cơ sở vật chất, nhân lực… cho công tác cách ly, lãnh đạo các địa phương cần đặc biệt quan tâm công tác lấy mẫu xét nghiệm theo phương châm: khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để ngăn chặn nguồn lây, xét nghiệm nhanh và phong tỏa trên quy mô hẹp để giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị, đại diện một số địa phương cũng phản ánh về những khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản do quy định về cách ly, phòng, chống dịch Covid-19 và đề nghị Bộ Y tế có giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo phát triển kinh tế. Phản hồi ý kiến này, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi xảy ra tình trạng một số địa phương xử lý đối với trường hợp đi đến từ Hải Dương, Bộ Y tế đã có Văn bản hướng dẫn cụ thể để đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo đó, để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch, các địa phương tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa, giám sát chặt chẽ đối với người điều khiển phương tiện. Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, hạn chế tiếp xúc với người khác, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, các địa phương tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về).
Mới đây, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp.
Linh hoạt, kiên quyết trong ứng phó với dịch bệnh
Theo các chuyên gia y tế, để đảm bảo ngăn chặn, dập dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, các địa phương cần căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để có những giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, đối với tỉnh Hải Dương, ngoài việc thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, đẩy nhanh truy vết xét nghiệm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại tất cả các khu cách ly, nhất là các khu cách ly dân sự, tăng cường kiểm tra cách ly tại gia đình. Đối với đối tượng F2 cách ly tại nhà phải cam kết, nếu không chấp hành phải đưa đi cách ly tập trung. Đồng thời, phải kiểm tra tất cả các nhà máy, công ty trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các DN cam kết thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch; người đứng đầu DN phải cam kết trách nhiệm khi trong DN có ca bệnh.
Đối với các tỉnh đang có ca bệnh tại cộng đồng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, chỗ nào có F0 thì cần phong tỏa gọn, đẩy nhanh truy vết xét nghiệm F1, F2, kiểm tra, xử lý triệt để tại các khu cách ly. Còn đối với các tỉnh chưa có ca bệnh, bằng mọi cách phải xác định được người đi đến từ địa phương có ca bệnh hoặc thực hiện giãn cách xã hội, tránh tình trạng phong tỏa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng, chống dịch tại bệnh viện, trường học, sân bay, tại các nhà máy, xí nghiệp… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, đối với những vùng có chùm ca bệnh, những vùng đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg phải chuẩn bị các tiêu chí an toàn cho các cơ sở y tế, phòng khám và tại các cơ sở sản xuất để chuẩn bị tiếp nhận người lao động trở lại làm việc nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.
Quán triệt tinh thần trên, ngay tại ổ dịch huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), từ ngày 20/02, các DN trên địa bàn huyện phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu: xét nghiệm toàn bộ công nhân, kết quả xét nghiệm là âm tính; bố trí đầy đủ nơi ăn, ngủ tại chỗ cho nhân viên, đồng thời, đáp ứng các chỉ số theo Bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở lao động. Nếu đủ điều kiện, DN mới được phép hoạt động trở lại và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - nêu rõ, các DN được phép hoạt động có điều kiện chứ không phải dừng toàn bộ. Mục đích là để địa phương đánh giá rõ mức độ và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, lực lượng ở các chốt phải hết sức linh hoạt để đảm bảo hàng hóa lưu thông cho các DN trong địa bàn.
Đ.KHOA