Vượt qua đại dịch, thêm động lực mạnh mẽ để chuyển dịch cơ cấu lao động

(BKTO) - Vài năm gần đây, đặc biệt là kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tiếp tục gia tăng và trở thành nỗi lo quốc gia cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người lao động. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này, đó là lực lượng lao động tập trung trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn quá lớn, trình độ lao động thấp dẫn đến chậm thích nghi và dễ bị tổn thương. Do đó, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu lao động, công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động là những yêu cầu bức thiết được đặt ra lúc này.




Để chuyển dịch lao động mang lại kết quả, người lao động cần được đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề​

Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm và thiếu tính bền vững

Cùng với vấn đề cải thiện năng suất lao động, chuyển dịch lao động đóng vai trò quan trọng góp phần làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Nhìn vào cơ cấu lao động của 3 khu vực kinh tế trong vài năm trở lại đây có thể thấy tương đối rõ xu hướng dịch chuyển lao động, đó là từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động được đánh giá là ảm đạm với nhiều gam màu xám do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thì xu hướng chuyển dịch lao động được duy trì có thể coi là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh này năm qua. Theo đó, lực lượng lao động tiếp tục chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và dịch vụ với tỷ trọng tương ứng là: 32,8% (năm 2019 là 34,5%); 30,9% (30,1% năm 2019) và 36,3% (năm 2019 là 35,4%).

Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, ở cả liên ngành lẫn nội ngành (tốc độ giảm lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng ở các khu vực còn lại chỉ khoảng 2%). Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ngay cả nguồn lao động di chuyển ra khỏi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng chưa phản ánh đúng bản chất chuyển dịch, khi điểm đến chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Do đó, hoạt động chuyển dịch thiếu tính bền vững.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách), tác động của dịch bệnh đã phơi bày tất cả những yếu kém tồn tại bấy lâu nay của thị trường lao động. Đó là sự tập trung lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn (vẫn chiếm gần 33% trong tổng số lao động đang làm việc), trình độ lao động thấp dẫn đến khả năng thích nghi, ứng phó với tình hình mới rất thấp, người lao động dễ bị tổn thương. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số lao động thiếu việc làm năm qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm hơn một nửa, đây cũng chính là khu vực kinh tế dễ bị tổn thương hơn cả.

Cũng theo TS. Thành, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội, song tác động của dịch bệnh cũng đặt ra yêu cầu cần phải chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ hơn, trong đó cần tăng cường đội ngũ lao động có kỹ thuật cao để giảm bớt ảnh hưởng trong những hoàn cảnh tương tự.

Chuyển đổi cơ cấu,cần tăng cường kỹ năng nghềcho lao động

Có thể thấy, quá trình chuyển dịch lao động đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của rất nhiều cơ quan, trải qua nhiều công đoạn và tốn kém thời gian, nguồn lực. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt quyết định quá trình chuyển dịch cũng như hiệu quả trong từng khu vực kinh tế.

Theo TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - GDNN), trên thực tế, lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề luôn là đối tượng dễ thích nghi hơn cả với điều kiện mới. Nhận định của TS. Vũ Xuân Hùng được củng cố trong báo cáo của Tổng cục Thống kê khi đề cập đến tác động của dịch bệnh đối với vấn đề việc làm năm qua. Theo đó, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động phổ thông là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%. Những con số này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác đào tạo; đồng thời phản ánh xu thế tất yếu trong chuyển dịch cơ cấu lao động, đó là chất lượng lao động phải được nâng lên.

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, mở cửa sâu rộng, đặc biệt là trước sự phát triển của công nghệ, yêu cầu về lao động có kỹ năng nghề đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. “Đào tạo nghề không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn trực tiếp giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động” - ông Dũng nhấn mạnh.

Xác định vai trò quan trọng của công tác GDNN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác GDNN cho lao động, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề; đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Các cơ sở GDNN tăng cường phối hợp với DN để đào tạo theo nhu cầu của DN và thị trường lao động; chú trọng nâng cao hiệu quả sau đào tạo, tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và bền vững.

Bài và ảnh: LỘC NGUYỄN
Cùng chuyên mục
  • Tận dụng nền tảng FTA, kim ngạch xuất khẩu khởi sắc trong 2 tháng đầu năm 2021
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm vẫn gia tăng, cho thấy doanh nghiệp Việt đang tận dụng ngày càng hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do.
  • Quy hoạch phát triển sân bay:  Cần cân nhắc để tránh lãng phí
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố liên tiếp đề xuất xin chủ trương xây dựng sân bay với lý do phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, giới chuyên gia hàng không, nhà kinh tế cho rằng, cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế, nếu không có thể dẫn đến tình trạng dư thừa sân bay, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
  • Đảm bảo cung cầu - hàng hóa thiết yếu  đã không thiếu trong dịp Tết
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tổng hợp thông tin từ các địa phương trên cả nước, Bộ Công Thương cho biết, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các DN ước tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thông thường. Lượng hàng dự trữ của các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường cũng tăng khoảng 5 - 10% so với năm trước. Hàng hóa dồi dào, phong phú, dự trữ tăng cao để sẵn sàng cung ứng, đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đã giúp cho thị trường hàng hóa thiết yếu ổn định, không xảy ra khan hàng, sốt giá… trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
  • Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo đề xuất của nhiều chuyên gia giao thông, để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế giao thông, cần đưa ra các giải pháp đúng đắn, trong đó ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu, tiến tới hình thành một số DN vận tải hàng hoá đa phương thức quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh.
  • Đổi mới trên quê hương cách mạng Võ Nhai
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Về thăm quê hương cách mạng Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) - nơi đang nỗ lực lập nhiều thành tích thi đua chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, diện mạo quê hương đã có nhiều khởi sắc, những giá trị văn hóa và truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng được bảo tồn và phát huy trong thời bình.
Vượt qua đại dịch, thêm động lực mạnh mẽ để chuyển dịch cơ cấu lao động