Tránh bỏ sót đối tượng
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật BHYT nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập của Luật hiện hành, đồng thời bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua.
Quan tâm đến việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đồng tình việc Dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các xã này được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ mức đóng BHYT.
“Theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP thì đối tượng trên chỉ được hỗ trợ trong thời gian 36 tháng từ 01/11/2023, tức là đến tháng 11/2026 sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Tới đây dự kiến có khoảng 600 nghìn người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng II, III. Như vậy, có khoảng 2,1 triệu người dân tộc thiểu số thoát khỏi cùng II, III và cần phải được quy định vào trong Luật để có chính sách hỗ trợ về BHYT” - đại biểu Ngọc nói và đề nghị Chính phủ nghiên cứu mức đóng phù hợp với đối tượng trên, đảm bảo không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, qua ý kiến, nguyện vọng của cửa tri, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung vào đối tượng được NSNN đóng BHYT đối với người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng CT229.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị rà soát, thể chế hoá việc tham gia BHYT của các nhóm đối tượng theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cập nhật, bổ sung đầy đủ đối tượng tham gia BHYT đang được quy định tại văn bản pháp luật khác vào Dự thảo Luật, tránh bỏ sót đối tượng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật đối tượng tham gia BHYT đã được quy định trong Nghị định số 75 để đảm bảo duy trì bền vững; bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được NSNN đóng BHYT. Đồng thời, bổ sung đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thời gian hỗ trợ 3 năm…
Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ từ NSNN cho học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình… từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên và những hộ gia đình làm nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình… Điều này giúp chúng ta vừa đạt mục tiêu bao phủ người dân tham gia BHYT, vừa giảm bớt khó khăn cho đối tượng này.
Vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30% thì giá trị thẻ BHYT cũng tăng thêm 30%, đồng nghĩa với việc người tham gia BHYT phải chi từ tiền túi của họ tăng thêm 30% so với trước đây, tương đương với 884.000 đồng/thẻ/năm, thay vì trước đây chỉ mất 680.000 đồng/thẻ/năm” - đại biểu Trần Quốc Tuấn chỉ rõ.
Hạn chế thanh toán 100% để tránh lạm dụng
Liên quan đến mức hưởng BHYT, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu rõ, Dự thảo Luật đã mở rộng khá nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT. Trong đó, nhiều nội dung đề xuất được BHYT thanh toán 100% chi phí KCB cả nội trú và ngoại trú.
Theo đại biểu, đây cũng là mong muốn của người bệnh khi được điều trị ở những cơ sở y tế có chuyên môn cao. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cần đánh giá thật kỹ lưỡng về khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ khi bổ sung khá nhiều mức hưởng BHYT như Dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, việc mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT để hướng đến mục tiêu đảm bảo tốt hơn quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) và giảm chi tiền túi của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT phải dựa trên nguyên tắc cân đối thu chi Quỹ BHYT, ổn định và phát triển bền vững quỹ BHYT.
“Cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, khả năng đóng của người tham gia BHYT; NSNN; người sử dụng lao động; tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chính sách "thông tuyến"... đến khả năng chi trả, cân đối Quỹ bảo hiểm y tế” - đại biểu Vân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động khi quy định quỹ BHYT chi trả 100% chi phí cho người tham gia BHYT trên 5 năm. Bởi, nhóm này hầu hết là cán bộ và những người nghỉ hưu, không cần thiết thanh toán 100% và rất dễ dẫn đến lạm dụng chính sách.
“Câu chuyện trục lợi Quỹ BHYT là có. Hiện có một số phòng khám đón người quen đến KCB để trục lợi. Do đó, việc cùng chi trả nhằm tránh trục lợi Quỹ BHYT. Dù chỉ cùng chi trả 10% thì người đi khám bệnh sẽ đúng và thực chất hơn. Vì vậy, cần hạn chế thanh toán 100%, trừ đối tượng đặc biệt (đối tượng chính sách, người trên 80 tuổi)” - đại biểu Hoàng nhấn mạnh.