Vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh
Những năm qua, mặc dù nhận thức về tác quyền âm nhạc đã được nâng cao; các tổ chức, cá nhân cũng có ý thức hơn trong việc thực hiện bản quyền, song những ồn ào, vi phạm liên quan tới bản quyền trong lĩnh vực này vẫn xuất hiện với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp…
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nền tảng số, mạng xã hội giúp mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc trên không gian mạng, bao gồm từ việc sáng tạo, trình diễn đến công bố tác phẩm. Song cũng vì thế mà những vấn đề liên quan tới bản quyền âm nhạc lại càng trở nên phức tạp hơn.
Chỉ tính riêng năm 2023, tổng số tiền bản quyền mà Trung tâm đã thu là hơn 344 tỷ đồng, đã thực hiện 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả.
Đây chỉ là một trong số những lĩnh vực “nóng” về vi phạm bản quyền được ngành văn hóa tập trung tìm cách tháo gỡ thời gian qua.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng ngày càng được đặt ra trong tất cả các hoạt động kinh tế, thương mại, nghệ thuật biểu diễn, giáo dục.
“Vấn đề bản quyền đang được đặt ra rất bức thiết, được các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm” - bà Oanh cho biết.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chua chát cho rằng, nạn sách giả, sách lậu tràn lan, xâm phạm bản quyền trên các nền tảng giống như một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. “Với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra dai dẳng, từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư sẽ dè dặt khi hợp tác” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định.
Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa, từ đó đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng
Trong khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền châu Á, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Còn theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số
Những hành vi vi phạm bản quyền được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật như: sách, hội họa, âm nhạc, điện ảnh...
Theo đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, lực lượng thanh tra đã phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam với hàng trăm website vi phạm bản quyền; đồng thời xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm liên tục thay đổi tên miền để tránh sự ngăn chặn của các cơ quan chức năng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng này có thể tạo ra hàng trăm tên miền tương tự nhau để tiếp tục cung cấp nội dung vi phạm bản quyền…
Cần có giải pháp hữu hiệu
Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương và nhiều hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều này giúp mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam khi hội nhập sâu, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sáng tạo nội dung. Song để nắm bắt tốt cơ hội, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan bảo đảm tính minh bạch, khuyến khích sáng tạo, cũng như tổ chức thực thi nghiêm các quy định.
Từ thực tiễn tại đơn vị, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện (trường Đại học Luật Hà Nội) Phạm Thị Mai đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền tác giả. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề quyền tác giả; tăng cường bảo vệ các thiết bị, tài khoản cá nhân khi sử dụng tài nguyên thông tin số...
Dẫn kinh nghiệm của một số quốc gia về vấn đề bảo hộ quyền tác giả, TS. Phùng Thị Yến (trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, để đáp ứng với xu hướng phát triển của công nghệ số, Việt Nam nên cân nhắc đưa vào và công nhận yếu tố trí tuệ nhân tạo (AI), cụ thể là trong phân loại tác phẩm về chương trình máy tính, những tác phẩm tạo ra AI cũng nên được ghi nhận nhằm thể hiện xu hướng phát triển tiến bộ của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể tham khảo thêm quy định về vấn đề chủ sở hữu của tác phẩm được tạo ra trong quá trình lao động để sửa đổi và bổ sung theo hướng chặt chẽ, tiến bộ, toàn diện hơn về vấn đề xác định xác định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật rõ ràng hơn, tránh những quy định dễ gây nhiều cách hiểu, đồng thời cần xem xét mở rộng quyền sao chép trong một số trường hợp cụ thể.
Đơn cử, những sản phẩm khoa học sử dụng một phần hoặc toàn bộ ngân sách nhà nước nên thu hẹp các giới hạn về quyền tác giả, mở rộng quyền tiếp cận và sử dụng của công chúng nếu không nhằm mục đích thương mại, như học tập, nghiên cứu để cho thấy hiệu quả và tính lan tỏa của các công trình đầu tư công đến cộng đồng.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho biết, để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo sự công bằng đối với những người sáng tạo nội dung, chủ sở hữu quyền, các cơ quan chức năng, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nội dung này. Đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cảnh báo doanh nghiệp, người dân không nên mua quảng cáo ở các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền đã được cơ quan chức năng công bố.
Các chủ thể quyền cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Có thể nói, thực thi bảo hộ bản quyền nói chung, bản quyền trong công nghiệp văn hóa nói riêng nghiêm túc, hiệu quả, không chỉ giúp người sáng tạo nội dung đảm bảo nguồn thu, khuyến khích sự sáng tạo mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện tốt điều này còn giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, thể hiện cam kết mà Việt Nam đã ký với quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan./.