Bảo đảm sự đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, phát huy lợi thế từ nguồn dữ liệu sẵn có để chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào kết quả chung của công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án số 06 của Chính phủ.

1w.png
Hướng dẫn người dân thao tác đơn giản trên ứng dụng VssID. Nguồn: BHXH Vĩnh Phúc

Đảm bảo đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia

Để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ của Đề án 06, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các kế hoạch, quyết định để thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Thường xuyên phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Đề án 06 đồng thời triển khai, bám sát các nhiệm vụ được giao; tham gia học tập các lớp đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện và tuyên truyền sâu rộng để giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện và công tác chuyển đổi số qua đó người dân ý thức và trách nhiệm hơn trong phối hợp với cơ quan BHXH đối với thực hiện Đề án 06.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam về thực hiện về việc cập nhật, làm sạch, xác thực thông tin người tham gia BHXH, BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an thực hiện rà soát dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT chưa đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đẩy nhanh tiến độ cập nhật, làm sạch, xác thực thông tin số căn cước công dân của người tham gia BHXH, BHYT trong cơ sở dữ liệu do BHXH tỉnh quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”.

BHXH tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên, chỉ đạo cán bộ, viên chức nhất là các bộ phận chuyên môn thực hiện việc rà soát, đồng bộ dữ liệu trên phần mềm với cơ sở dữ liệu của người lao động, người tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, tính đến 30/6/2024, BHXH tỉnh đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gồm cả căn cước công dân, định danh cá nhân) trên 1.104.000 người, đạt 95,59% người lao động đang tham gia BHXH, BHYT.

100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh thực hiện tra cứu thông tin khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân; số lượng đã tra cứu đến hết 30/6/2024 là 1.021.230 lượt và thành công là 805.988 lượt đạt 78,9%; số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT là 1.104.042 người.

Từ 01/07/2023 đến nay, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện triển khai hiệu quả việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tính đến ngày 24/7/2024, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã cấp được 53.876 giấy khám sức khỏe lái xe, 62 giấy báo tử, 23.547 giấy chứng sinh; đồng thời để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT nhất là quyền lợi trong khám chữa bệnh của người tham gia.

BHXH tỉnh luôn tăng cường công tác hướng dẫn người lao động và nhân dân tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng phần mềm BHXH số - VssID. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2024 đã cài đặt VssID thành công cho 35.396 người, tổng số cài đặt VssID từ khi triển khai đến nay là 564.683 người.

Thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chi trả các chế độ BHXH không dùng tiền mặt, tính đến hết ngày 09/7/2024, số người nhận trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM đạt tỷ lệ 100%; số người nhận trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức đạt tỷ lệ 100%; số người nhận trợ cấp BHXH 1 lần đạt tỷ lệ 97,15%. Riêng số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bàn toàn tỉnh còn thấp, mới chỉ có 11.255/42.529 người đang hưởng chế độ lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng nhận tiền qua tài khoản ATM (đạt 26,46%).

Đẩy mạnh đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi

Hiện nay, toàn bộ các thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... Đối với 02 nhóm DVC liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú -Trợ cấp mai táng phí": BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, đảm bảo nguyên tắc "tạo thuận lợi tối đa cho người dân, khả thi trong triển khai thực hiện".

Tính đến ngày 30/6/2024 BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp được 6.695 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, tiếp tục triển khai liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí cho thân nhân người đang hưởng lương hưu, mất sức lao động bị chết. Bên cạnh đó, tính đến ngày 24/7/2024 đã tiếp nhận 6.102 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 4.407 hồ sơ đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức và người lao động về ý nghĩa vai trò của việc triển khai thực hiện Đề án 06; truyền thông hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT; truyền thông kết quả chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh; khái niệm cơ bản, tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích và tác động của chuyển đổi số.

Bằng nhiều hình thức truyền thông linh hoạt, kết hợp với lồng ghép chung các nội dung tuyên truyền của Ngành; truyền thông chính sách BHXH, BHYT hướng tới phát triển người tham gia; tuyên truyền về tính ưu việt của việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội, Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh, trang Fanpage, Zalo của BHXH tỉnh, huyện ..; các hoạt động truyền thông trực quan đảm bảo theo đúng quy định và hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian tới, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; tăng cường thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; ưu tiên tích hợp, chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm sự đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân.



Cùng chuyên mục
Bảo đảm sự đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội