Vượt ngưỡng cảnh báo của WHO
WHO khuyến cáo, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như: Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).
Khuyến cáo của WHO dựa vào số liệu từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy, trong quý I/2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi) cao hơn so với mức 50 µg/m3 (quy chuẩn quốc gia Việt Nam). Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đặc biệt, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn của WHO đến 10 lần.
Không chỉ Hà Nội, tại TP. HCM trong quý I/2017, có 6 ngày vượt quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn của WHO; mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91,2 lên 100,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30,72 lên 35,8 µg/m3. Còn trong quý III/2017, có 1 ngày vượt quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO. Nếu phân tích dữ liệu theo giờ, 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Thống kê cho thấy, phương tiện cơ giới tăng cao theo từng năm. Cụ thể, tại Hà Nội, xe con tăng bình quân 17,23%/ năm, xe gắn máy tăng bình quân 11,02%/năm. Tại TP. HCM, xe con tăng bình quân 14,88%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 9,79%/năm. Đi đôi với số lượng xe lớn là mật độ phương tiện ở mức quá cao. Ô tô cá nhân tập trung cao ở đô thị lớn, chiếm dụng mặt đường và mức độ khí thải cao gấp từ 5 - 10 lần so với xe máy. Bên cạnh đó, số lượng xe máy cũ, xe kém chất lượng, không được bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, đúng quy cách chiếm khá lớn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo phân tích của các chuyên gia môi trường, hiện nay các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu để tạo ra sự chuyển động, quá trình đốt cháy nhiên liệu này đã dẫn tới phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí khác nhau. Bên cạnh đó, quá trình này còn kéo theo sự hình thành bụi do đất cát bị cuốn bay lên từ mặt đường phố trong quá trình di chuyển.
Vì vậy, để kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị, cần kiểm soát nguồn thải từ ô tô, xe máy; hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng, tăng cường ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng; và gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học, ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường.
Mặt khác, cần khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh. Bởi theo các kết quả nghiên cứu, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc.
Ngoài ra, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tích cực triển khai các dự án quan trắc tự động (nước thải, khí thải) tại các khu vực trọng yếu nhằm phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực. Số liệu quan trắc không khí sẽ được cập nhật 24/24 giờ. Các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động và truyền dẫn các số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát.
THU HUYỀN
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-2017