Khơi thông điểm nghẽn để phát triển bền vững thị trường bất động sản

(BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như nhà quản lý, thị trường bất động sản (BĐS) đã vượt qua khủng hoảng và đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh ổn định cả về giá cả, khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn những điểm nghẽn cần được khơi thông để có thể phát triển bền vững.



Vượt qua khủng hoảng,phát triển ổn định

Nhận định về toàn cảnh thị trường BĐS thời gian qua, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho biết: Thị trường BĐS Việt Nam đã đón nhận những luồng sinh khí mới, thực sự vượt qua khủng hoảng và bước vào một chu kỳ phát triển mạnh và ổn định. Cụ thể, lượng tồn kho BĐS đã giảm triệt để; sức cầu thị trường tăng mạnh; nhiều phân khúc thị trường phát triển bùng nổ; hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS đã có những thay đổi tích cực cả về lượng và chất; hoạt động đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài đều tăng cao…

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho rằng: Sau giai đoạn khủng hoảng, từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường từng bước hồi phục và phát triển, thể hiện ở tính thanh khoản tăng ở hầu hết phân khúc, giao dịch ổn định và duy trì ở mức khá. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa cũng có sự điều chỉnh hợp lý hơn theo hướng nhằm vào nhu cầu của người ở thực và khả năng thanh toán của khách hàng.

Mặt bằng giá cả BĐS ngày càng ổn định, phù hợp với khả năng chi trả của người dân; lĩnh vực đầu tư BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hầu hết các DN, nhà đầu tư BĐS vượt qua thời kỳ khó khăn, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại được hình thành có tầm cỡ quốc tế, làm thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, thị trường BĐS năm 2016 và 10 tháng năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, tồn kho BĐS còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 12/2016. Phần tồn kho này chủ yếu ở các dự án nhà biệt thự, liên kề tại các khu vực không có hạ tầng phát triển đồng bộ, thiếu các công trình phục vụ dân sinh.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang phát triển mạnh, đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vẫn còn những điểm nghẽn

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, thị trường BĐS vẫn còn những điễm nghẽn cần được khơi thông để có thể phát triển bền vững. Đánh giá về những mặt còn hạn chế của thị trường BĐS, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng: Thị trường BĐS Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và minh bạch, còn tiềm ẩn rủi ro; một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số rủi ro tiềm ẩn của thị trường. Đó là, nguồn vốn đầu tư kinh doanh BĐS chưa đa dạng, chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và huy động từ khách hàng, nguồn vốn sở hữu của chủ đầu tư còn thấp. Một số nhà đầu tư lớn sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết dẫn tới việc kiểm soát tín dụng đầu tư BĐS gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số phân khúc BĐS cao cấp có biểu hiện dư cung, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, năng lực của các chủ thể tham gia thị trường BĐS còn hạn chế. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành, hoàn thiện thể chế về thị trường BĐS. Còn thiếu một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để điều tiết các nguồn lực phát triển BĐS một cách công bằng, hợp lý và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Một số DN BĐS triển khai dự án có quy mô sản phẩm hàng hóa chưa phù hợp với yêu cầu thị trường; năng lực tài chính, quản lý còn yếu kém dẫn tới dự án chậm tiến độ, lãng phí đất đai, nguồn lực. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Để giải quyết những điểm nghẽn trên, Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ cũng có sự chuyển hướng, đổi mới tư duy trong quản lý thị trường BĐS, phát triển thị trường theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 47 ra ngày 23-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Đề án đào tạo tiến sĩ nghìn tỷ:  Cần thiết nhưng phải thận trọng!
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề xuất chi tới hơn chục nghìn tỷ đồng dành cho công tác đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia. Đặt trong bối cảnh các đề án trước đó không đạt được mục tiêu đề ra, những cảnh báo về tính khả thi của Đề án cần được Bộ GD&ĐT lưu ý.
  • Ấm tình Điện Biên
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 9, gần 40 thành viên trong đoàn thiện nguyện chúng tôi đã chuyển những món đồ cuối cùng lên xe và bắt đầu chuyến hành trình lên Điện Biên mang niềm vui đến với trẻ em miền sơn cước…
  • Doanh nghiệp kiểm toán trước yêu cầu hội nhập
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng cho rằng, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với các công ty kiểm toán.
  • Xử phạt DN xuất khẩu lao động vi phạm: Mạnh tay để lập lại kỷ cương
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã công bố danh sách 46 DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị thu hồi giấy phép… Động thái này của cơ quan chức năng đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực quản lý XKLĐ diễn ra lâu nay.
  • Bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại Ninh Bình
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", ngày 15/11, Công đoàn KTNN khu vực XI đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phạm Ngọc Thăng (thương binh hạng 4/4) tại thôn 1, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Khơi thông điểm nghẽn để phát triển bền vững thị trường bất động sản