Báo động tình trạng thiếu hụt i-ốt quay trở lại Việt Nam

(BKTO) - Theo đánh giá của Mạng lưới i-ốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong nhóm 19 nước còn lại có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại Việt Nam. Do đó, tăng cường i-ốt vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản và hiệu quả để bổ sung i-ốt nói riêng và vi chất dinh dưỡng nói chung trong bữa ăn hằng ngày.



Chỉ có 45% hộ gia đình Việt Namsử dụng muối i-ốt

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Trong khi đó, Việt Nam đang nằm trong nhóm 19 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2011 chỉ ra rằng, chỉ có 45% hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng muối i-ốt, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo toàn cầu về phổ cập sử dụng muối i-ốt toàn dân là 90%. Gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi và 37% phụ nữ mang thai bị thiếu máu. Tình trạng thiếu hụt kẽm rất cao ở trẻ em (69%) và phụ nữ mang thai (80,3%). Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.

Cần sử dụng muối ăn có chứa i-ốt để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra - Ảnh: Đ. Khoa

Cùng với việc sụt giảm độ bao phủ muối i-ốt trên toàn quốc, năm 2013-2014, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã tiến hành điều tra tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi toàn quốc. Kết quả cho thấy, tỷ lệ này là 9,8%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl, mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua. Trong khi theo khuyến cáo của WHO về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi <5% và mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl. Đây là thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại Việt Nam.

Tăng cường i-ốt vào các thực phẩm thiết yếu

Nhằm ngăn chặn nguy cơ trên, tại Tuyên bố chung mới đây, WHO và UNICEF kêu gọi các cơ quan quản lý tăng cường thực thi các quy định về bổ sung vi chất vào thực phẩm. Theo đó, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý tăng cường thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dụng muối i-ốt, bột mì đã bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm. Nghị định được ban hành trên cơ sở các bằng chứng khoa học về việc cần phải hành động để giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân Việt Nam.

Theo WHO, việc tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. “Bổ sung vi chất vào thực phẩm sẽ góp phần tạo ra một lực lượng dân số khoẻ mạnh và thông minh, đóng góp nhiều lợi ích hơn cho xã hội và sự phát triển của quốc gia, bao gồm phát triển năng lực cạnh tranh”- WHO nhấn mạnh.

WHO khuyến cáo, toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường i-ốt để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra. Việc bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì đã được toàn cầu ghi nhận là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đổi thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Mỗi USD chi cho việc bổ sung i-ốt vào muối và tăng cường vi chất vào bột mì sẽ cho lợi nhuận 10 USD.

NGỌC HÀ
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 21-6-2018
Cùng chuyên mục
Báo động tình trạng thiếu hụt i-ốt quay trở lại Việt Nam