Không có nhiều thay đổi
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về cơ bản, Kỳ thi THPT năm nay được giữ ổn định như năm ngoái và có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật như: nâng cao độ phân hóa của đề thi; thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội phải thi đầy đủ 2 bài thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT; thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp từ 20 phút rút xuống còn 10 phút...
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và kiểm định giáo dục - cho biết, đến nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) về công tác thi; hoàn thành và đưa vào sử dụng các phần mềm phục vụ công tác chấm thi, lưu trữ; hoàn thành việc lập điểm thi, phân và sắp xếp phòng thi. Dự kiến, có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp với các địa phương tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.
Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước sắp bước vào Kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Phạm Hùng
Tại Hội nghị Triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chưa có nhiều thay đổi và trong một vài năm tới, Kỳ thi này sẽ duy trì ổn định theo hướng nhẹ nhàng hơn với xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu các trường ĐH, CĐ quán triệt quan điểm Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi ĐH. Vì thế, các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH. “Trong một vài năm tới, sự tham gia của các trường ĐH vào việc tổ chức Kỳ thi cùng với các Sở GD&ĐT địa phương là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm liên quan đến đầu vào của các trường ĐH mà là trách nhiệm của toàn xã hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đảm bảo trung thực, khách quan và an toàn
Tại Kỳ thi năm nay, Thủ tướng Chính phủ không ban hành một chỉ thị riêng về kỳ thi như mọi năm. Lý giải điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua 3 năm thực hiện đổi mới, Kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, phụ huynh và học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần căn cứ vào các chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ những năm trước đây để sát sao cùng với địa phương tổ chức thật tốt Kỳ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra từ ngày 25 - 27/6, với 925.792 thí sinh dự thi tại 2.144 điểm thi, 39.689 phòng thi. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). |
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường ĐH, CĐ chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi, cử đủ cán bộ, giảng viên về coi thi tại các địa phương; tổ chức phổ biến kỹ, nghiêm túc quy chế, tập huấn nghiệp vụ coi thi; phối hợp với các địa phương kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất...
Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng, chống gian lận thi cử luôn là một bài toán đầy thách thức trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, khi các thiết bị gian lận được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của công tác thanh tra trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. “Không chỉ thí sinh mới có hành vi gian lận thi cử mà cả những người tham gia phục vụ Kỳ thi, trong đó chủ yếu là giám thị cũng có nguy cơ tiềm ẩn hành vi gian lận” - ông Bằng nói.
Nhắc đến vụ việc làm lọt đề thi ra ngoài trong Kỳ thi vào lớp 10 tại một số địa phương vừa qua, ông Bằng cho biết, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này và yêu cầu các địa phương, các trường cử cán bộ coi thi cần làm tốt trách nhiệm được giao, gắn với đó là hình thức xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 21-6-2018