Bảo hiểm y tế hộ gia đình: “Bùa hộ mệnh” lúc đau ốm, bệnh tật

(BKTO) - Là chính sách quan trọng, đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có BHYT hộ gia đình đang ngày càng nhận được sự đón nhận tích cực của người dân. Việc lan tỏa chính sách đến sâu rộng hơn trong xã hội để mọi người dân cùng tham gia chia sẻ, thụ hưởng chính sách luôn thôi thúc ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.



Nhiều lợi ích thiết thực

Tham gia BHYT hộ gia đình được 4 năm nay, cô Nguyễn Thị Mai (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho biết, hiếm khi nào cô không mang theo tấm thẻ BHYT bên mình. Cô bảo, từ ngày có thẻ BHYT mà cô và gia đình an tâm hơn về cơ hội được bảo vệ sức khỏe, bởi mỗi khi người mệt mỏi, cô lại chủ động đi khám sức khỏe - một thói quen tốt mà hiếm khi xuất hiện trước đây. Cô bảo, nếu như trước đây đi khám, chi phí thường rất lớn, đơn cử như chi phí nội soi dạ dày (không gây mê), cũng tốn đến 400 nghìn đồng/lần, chưa kể tiền thuốc. Tuy nhiên, từ ngày có thẻ BHYT, số tiền chi trả cho dịch vụ này (bao gồm cả thuốc - nếu có) chỉ vỏn vẹn khoảng 100 nghìn đồng.
                
   

BHYT hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân. Ảnh: BHXH Việt Nam

   

Nhờ có BHYT mà chi phí người dân bỏ ra cho một lần đi khám như vậy đã giảm 3 được lần. Đó là chưa kể nhiều dịch vụ, thuốc đắt tiền áp dụng đối với các bệnh hiểm nghèo, khi sử dụng thẻ BHYT được thanh toán tới hàng tỷ đồng. Với chi phí lớn như vậy, phần đông người dân hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng, nếu không có thẻ BHYT. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân D.V (30 tuổi, tại Kiên Giang) bị bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia A có chất ức chế). Nhờ tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên nên anh V. được BHYT chi trả 100% theo quy định với số tiền lên tới chục tỷ đồng trong suốt quá trình điều trị kéo dài nhiều năm. “Chi phí lớn các đợt điều trị ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nếu tự trả thì gia đình tôi đã “đầu hàng” - anh V. chia sẻ.

Theo Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, nguyên tắc của BHYT là người có tham gia BHYT nhưng không có bệnh bù cho người có bệnh; người mắc bệnh nặng, không may thì được hưởng nhiều. Đây là tính nhân văn trong chính sách BHYT và là điểm khác biệt giữa chính sách BHYT của nhà nước với các bảo hiểm thương mại khác.

Cũng theo ông Mến, ngoài đối tượng chính sách, đối tượng tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên tính đến thời điểm đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, điều trị; theo chính sách thông tuyến tỉnh từ ngày 01/01/2021, người có thẻ BHYT khám không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh cũng có thể được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT. Ngoài ra, tùy thuộc vào thời gian, đối tượng tham gia BHYT mà người bệnh được thanh toán chi phí với các mức 95% hoặc 80%. Các mức thanh toán này vẫn rất lớn và giúp người bệnh rất nhiều khi không may bị đau ốm, bệnh tật.

Lan tỏa chính sách để người dân được thụ hưởng đầy đủ, công bằng

Thiết kế chính sách BHYT với mong muốn đưa đến cho người dân quyền được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, tối ưu nhất, Nhà nước còn có những chính ưu đãi dành riêng cho các hộ gia đình khi tham gia BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2014, Luật BHYT sửa đổi đã bổ sung quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, đối tượng tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trừ những thành viên đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác.

Điểm đáng chú ý, đó là người dân tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình được giảm dần số tiền đóng mua thẻ, từ thành viên thứ 2 trong gia đình. Cụ thể: Người thứ 2, 3, 4 trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất.
                
   

Cần lan tỏa rộng rãi lợi ích của BHYT hộ gia đình để mọi người dân đều tham gia và được thụ hưởng chính sách. Ảnh: Internet

   

Cùng với chế độ hỗ trợ chung của Nhà nước, tại nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng chính sách hỗ trợ hộ gia đình tham gia BHYT, như tỉnh Vĩnh Phúc như hỗ trợ 20% chi phí mua thẻ BHYT cho người thứ nhất trong hộ gia đình; người cao tuổi trong hộ gia đình từ đủ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% kinh phí; từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi được hỗ trợ 50% kinh phí...

Bên cạnh đó, theo bà Đàm Thị Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, hiện nay, phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam đang được đánh giá là rộng so với nhiều nước; nhiều loại thuốc chi phí lớn; phẫu thuật, chẩn đoán kỹ thuật cao đều được Quỹ BHYT chi trả, như thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm,... thường dùng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời. Ngoài ra, còn có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn, như phẫu thuật bằng robot, thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim... Các dịch vụ được hưởng BHYT tiếp tục được mở rộng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân cũng như thực tế bệnh tật hiện nay.

Mặc dù có quyền lợi lớn khi tham gia BHYT, tuy nhiên theo BHXH Việt Nam, nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc tham gia BHYT và được Quỹ BHYT chi trả ra sao... Do đó, để chính sách được lan tỏa rộng rãi đòi hỏi cần phải sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi tham gia BHYT chính là yêu cầu tối quan trọng cần được thực hiện lúc này.
ĐĂNG HẢI
Cùng chuyên mục
Bảo hiểm y tế hộ gia đình: “Bùa hộ mệnh” lúc đau ốm, bệnh tật