Bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền

Bên cạnh băn khoăn về hoạt động liên quan đến giao dịch tiền ảo khá phổ biến nhưng chưa được kiểm soát, góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung các quy định nhằm phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

d62da6196e69a837f178.jpg
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm quy định phòng, chống rửa tiền đối với giao dịch tiền ảo. Ảnh: VPQH

Bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo

Sáng 01/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động phòng, chống rửa tiền cũng như nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống rửa tiền; phát hiện, xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng; thu hồi tài sản có liên quan đến tham nhũng và kinh tế.

Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, công nghệ hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ hội để các đối tượng thực hiện các hành vi gian lận tinh vi, phức tạp hơn như: các hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, công cụ chuyển nhượng Blockchain. Trong khi đó, Dự thảo luật chưa có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo.

Từ thực tế trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị  Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền.

Theo đó, cần đưa hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo vào Điều 4 Dự thảo Luật.

“Mục đích của việc này là buộc các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc cung ứng hạ tầng thanh toán cho các loại tiền ảo, tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, thanh toán qua mạng phải thực hiện các yêu cầu của pháp luật nhằm báo cáo cung cấp thông tin cho các cơ quan Việt Nam đầy đủ, chính xác, trung thực” - đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, hiện nay, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được Nhà nước công nhận thì thực tế có hoạt động liên quan đến tiền ảo giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát.

“Dự báo thời gian tới, việc mở rộng hội nhập quốc tế thì các giao dịch tiền ảo này sẽ phát triển và đây là điều kiện cho các hành vi rửa tiền mà ta chưa lường hết được” - đại biểu quan ngại và đề nghị bổ sung "trường hợp giao dịch khác" vào Dự thảo Luật.

Bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản

Trong khi đó, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công. Bởi vì đầu tư bất động sản tương đối thuận lợi và thủ tục đơn giản hơn khi tham gia thị trường.

910e42d6d1a617f84eb7.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung các quy định nhằm phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, việc thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam khá phổ biến. Giao dịch không qua sàn giao dịch chiếm số lượng lớn và giá trị các giao dịch cao. Qua đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng, cho bất động sản.

Chính vì vậy, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.

Để hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua, bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường.

Nhà nước thực hiện việc giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân có thu tiền sử dụng đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá. Nhiều năm gần đây hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phòng ngừa rửa tiền, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng”.

Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của Dự thảo Luật. Đó là, khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày; khách hàng mua, bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tăng một cách bất thường.

Cùng với việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP. Hải Phòng) nhận định, kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực có tiềm ẩn nguy cơ cao về rửa tiền, các giao dịch bất động sản thường có giá trị lớn, hệ thống thông tin để có thể truy xét về nguồn gốc, quá trình giao dịch chưa đầy đủ, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền.

Tại Dự thảo luật hiện nay đã đưa ra những biện pháp phòng ngừa rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản song theo đại biểu là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu các quy định liên quan đến thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch bất động sản, việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng công chứng… tại các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền./.

Đ. KHOA

Theo: dự sự kiện
Copy Link
Cùng chuyên mục
Bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền