Bắt mạch thị trường tiền tệ từ diễn biến lãi suất liên ngân hàng

(TBTCO) - Lãi suất liên ngân hàng đã thoát vùng đáy và có một số thời điểm ngược dòng tăng cao, tuy nhiên sau đó cũng có những thời điểm lại bất ngờ giảm trở lại. Động thái này cho thấy có thời điểm trạng thái “thừa tiền” của hệ thống ngân hàng tạm thời được giải tỏa, nhưng dòng tiền trên thị trường tiền tệ còn chịu nhiều tác động chi phối và khó xác định xu hướng.

Bắt mạch thị trường tiền tệ từ diễn biến lãi suất liên ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, giảm thiểu thủ tục hành chính tạo điều kiện có thể hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TL

Giảm bớt tình trạng “dồn ứ”

Trong giai đoạn quý III/2023, thị trường đối diện với tình trạng tiền dồn ứ trong ngân hàng, tín dụng khó khơi thông và một trong những biểu hiện của hiện trạng này là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mặt bằng “siêu thấp”.

Tuy nhiên, động thái thị trường trong giai đoạn từ tháng 10 trở lại đây cho thấy tình trạng dồn ứ tiền đã phần nào được giải tỏa. Trong đó, một trong những thông điệp có thể quan sát được là diễn biến tăng lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong một số thời điểm cuối tháng 10/2023.

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng một số ngày đã lên mức 2,74%. Mức lãi suất này tuy vẫn còn thấp hơn nhiều so với trần lãi suất 5% theo quy định tại Quyết định số 1123/ QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 (về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ), nhưng đã cao hơn hẳn so với giai đoạn siêu thấp hồi tháng 9/2023. Khi đó, lãi suất cho vay qua đêm có thời điểm chỉ còn 0,17%.

Ngoài diễn biến tại thị trường liên ngân hàng, một thông điệp khác cho thấy tình trạng dồn ứ vốn cũng phần nào được giải tỏa bởi tăng trưởng tín dụng có phần nhúc nhích hơn chút ít trong tháng 10. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng được 7,1% so với cuối năm ngoái. Tốc độ này tuy vẫn được đánh giá là thấp so với năm ngoái, nhưng dòng vốn trong ngân hàng cũng đã có biểu hiện khơi thông hơn so với giai đoạn từ khoảng giữa tháng 9 trở về trước.

Cụ thể, tính đến giữa tháng 9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5,56% (bình quân tăng gần 0,59% mỗi tháng), nhưng trong 1,5 tháng từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 đã tăng 1,54%. Tính bình quân tháng trong giai đoạn kể từ giữa tháng 9 đến nay theo đó đã đạt được tốc độ khoảng gần 1,03% mỗi tháng, gần xấp xỉ với tốc độ tăng trưởng bình quân tháng của 2 năm năm gần đây. Tăng trưởng tín dụng bình quân tháng năm 2022 đạt khoảng hơn 1,1%/tháng và của năm 2021 là khoảng 1,07%/tháng.

Vẫn tồn tại những yếu tố đan xen chi phối

Lãi suất thị trường liên ngân hàng mặc dù có thời điểm tăng, nhưng diễn biến chung cho thấy mặt bằng lãi suất đang chịu khá nhiều yếu tố đan xen và biến động trồi sụt không ổn định. Sau khi tăng trong một số ngày cuối tháng 10, thị trường liên ngân hàng lại đảo chiều giảm lãi suất với mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm trong những ngày gần đây lại về quanh mốc khoảng trên dưới 1%.

Trên thị trường mở, trong những ngày gần đây, NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các đợt phát hành tín phiếu, động thái này thường tác động giảm cung tiền trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, tính chất của thị trường mở giai đoạn hiện nay cũng có nhiều điểm khác so với thời điểm giữa tháng 9. Bởi lẽ, hiện tại lượng tín phiếu được NHNN phát hành giai đoạn nửa cuối tháng 9 và đầu tháng 10 đến nay cũng đã đến thời điểm thanh toán.

Trong khi đó, nhiều yếu tố hiện tại trên thị trường cũng có tính chất ngắn hạn, tức có thể có những diễn biến thay đổi nhanh. Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty WiGroup cho biết, trạng thái hiện tại của dòng vốn ngân hàng tuy vẫn dư cung, nhưng cũng chỉ là dư thừa tạm thời. Có nghĩa là trong ngắn hạn thì ngân hàng đang thừa vốn, nhưng trong dài hạn thì vẫn có thể thiếu vốn.

Ngoài ra ở góc độ thị trường quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp gần đây nhất đầu tháng 11 vẫn giữ nguyên lãi suất. Theo đó, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25 - 5,5%, vẫn giữ nguyên trong 2 lần họp liên tiếp không tăng lãi suất sau một chuỗi tăng lãi suất liên tục.

Lãi suất của FED tuy được cho là ít có ảnh hưởng trực tiếp với lãi suất trong nước, thể hiện ở những giai đoạn lãi suất 2 thị trường biến động ngược chiều, nhưng động lãi suất của FED nếu kéo dài có thể ảnh hưởng gián tiếp qua tỷ giá.

Về phía NHNN, vừa qua tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã tiết lộ cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm được 2,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Thông tin này cho thấy lãi suất cho vay đang trong chu kỳ tiếp tục giảm thấp hơn, bởi thông tin NHNN đưa ra cách đây 1 tháng thì mặt bằng lãi suất cho vay lúc đó thấp hơn khoảng 1,5 - 2% so với cuối năm 2022.

Tiếp tục điều phối tăng trưởng tín dụng
Về định hướng điều hành thời gian tới, NHNN cho biết sẽ vẫn tiếp tục điều phối về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như của các tổ chức tín dụng để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, làm sao giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như hồ sơ vay vốn để rút ngắn quá trình xem xét tín dụng, tạo điều kiện có thể hỗ trợ về tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.
Cùng chuyên mục
Bắt mạch thị trường tiền tệ từ diễn biến lãi suất liên ngân hàng