BHXH tỉnh Thanh Hóa: Chuyển đổi số hiệu quả từ chuyển đổi nhận thức

(BKTO) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số. Kết quả thực hiện cho thấy, chuyển đổi số thành công bắt nguồn từ sự chuyển đổi trong nhận thức.

01.jpg
100% cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT tại Thanh Hóa đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chip. Ảnh: BHXH tỉnh Thanh Hóa

Đồng bộ thông tin hơn 3 triệu thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip

Chia sẻ về tiện ích sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip tích hợp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) làm thủ tục khám, chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - ông Lê Đình Thành - cho biết, hiện khoảng trên 90% công dân đến KCB dùng CCCD thay cho thẻ BHYT giấy. Nhận định đây là giải pháp thuận lợi cho cả cơ sở y tế và người bệnh, cơ sở y tế này cũng đã đặt các đầu đọc CCCD tại các khu vực tiếp nhận, giúp bệnh nhân rút gọn thời gian làm thủ tục đăng ký KCB.

Theo thống kê, hiện 100% cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT tại Thanh Hóa đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chip, thực hiện 2,6 triệu lượt tra cứu thành công/3,5 triệu lượt tra cứu.

Đây là kết quả của quá trình nỗ lực thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà BHXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện trong thời gian qua.

Tính đến 30/11, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xác thực hơn 3,187 triệu hồ sơ cá nhân người tham gia BHXH, BHYT đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, cập nhật trong CSDLQG về bảo hiểm, đạt tỷ lệ 97,86%. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh đồng bộ thông tin 3.091.049 thẻ BHYT vào CCCD gắn chip...

Trưởng Phòng công nghệ thông tin, BHXH tỉnh Thanh Hóa - ông Ngô Minh Hòa - cho hay, trọng tâm của chuyển đổi số là xây dựng Chính phủ số, trong đó Đề án 06 là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện việc xây dựng Chính phủ số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhận thức được vấn đề này, BHXH tỉnh Thanh Hoá đã chủ động, tích cực, nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh.

Ngay từ nền tảng quan trọng ban đầu là xây dựng hệ dữ liệu số, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch, xây dựng chi tiết mục đích, yêu cầu và nội dung thực hiện nhằm từng bước xây dựng CSDLQG về bảo hiểm, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; và thường xuyên rà soát, bổ sung các thông tin cơ bản của người tham gia trong CSDL ngành BHXH.

Hiện 100% người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã được quản lý thông tin cá nhân, quá trình tham gia và thụ hưởng trên hệ thống phần mềm nghiệp vụ của ngành phục vụ việc tra cứu, giải quyết các chế độ cho người tham gia nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng quy định.

BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên trao đổi với Công an tỉnh trong việc rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung thông tin nhân thân người tham gia trên địa bàn vào CSDLQG về bảo hiểm.

Đặc biệt, triển khai định hướng của BHXH Việt Nam về thực hiện tất cả các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành BHXH liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đạt được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ người dân.

Tính đến 30/11, Thanh Hóa đã tiếp nhận và xử lý 17.638 hồ sơ liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, 165 hồ sơ hỗ trợ mai táng phí đảm bảo đúng thời gian quy định. Việc liên thông dữ liệu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe điện tử đang được triển khai với tỷ lệ ngày càng tăng, đồng thời kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành BHXH để xử lý và kiến nghị cấp trên xử lý.

Hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 40 cơ sở KCB thực hiện liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe cho 35.160 công dân; 57 cơ sở KCB thực hiện liên thông dữ liệu giấy chứng sinh cho 26.097 trẻ; 18 cơ sở KCB thực hiện liên thông dữ liệu giấy báo tử cho 100 công dân trên địa bàn phục vụ 02 dịch vụ công liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu giữa BHXH tỉnh và Sở Y tế hiện tại cũng đạt 100% hồ sơ bệnh án KCB BHYT đã được liên thông...

2.jpg
BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng yếu tố chuyển đổi về nền hành chính phục vụ trong nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH. Ảnh: ST

Chú trọng chuyển đổi về nhận thức

Ông Ngô Minh Hòa cho biết, để phục vụ công tác chuyển đổi số, BHXH tỉnh và BHXH các huyện đã được trang bị đầy đủ máy tính, thiết bị, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện để kết nối liên thông các phần mềm nghiệp vụ của ngành và các ứng dụng dùng chung để xử lý công việc trên môi trường mạng từ Trung ương đến địa phương một cách nhanh chóng, kịp thời, phát huy tối đa nền tảng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành; giảm tối đa các thủ tục hành chính (TTHC), tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp khi tham gia, giải quyết các chế độ BHXH.

Việc thực hiện trên không gian số cũng giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ, chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.

Đặt mục tiêu hàng đầu trong công tác chuyển đổi số là đảm bảo sự thuận lợi cho người dân, người lao động và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC với cơ quan BHXH, ngoài các giải pháp kỹ thuật, BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng yếu tố chuyển đổi về nền hành chính phục vụ trong nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH.

Cụ thể, như trong việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, cơ quan BHXH đã cử viên chức thường trực tại Trung tâm hành chính công tỉnh, 100% đơn vị đã bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC. Đặc biệt là quán triệt đến toàn thể viên chức, người lao động thực hiện nghiêm Quyết định số 475/QĐ-BHXH ngày 27/3/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngành BHXH Việt Nam.

Hiện 100% hồ sơ nghiệp vụ được xử lý liên thông giữa các bộ phận thông qua phần mềm Hệ thống tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị quản lý người tham gia, người theo dõi quá trình xử lý các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công và email đã đăng ký…

Hay với nhóm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, BHXH tỉnh cũng cử đầu mối phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, tham gia nhóm Zalo với các thành viên của Tổ công tác triển khai Đề án 06 UBND tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi người tham gia đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia...

Phấn đấu để ngày càng nhiều người dân, đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng tiện ích mà quá trình chuyển đổi số ngành BHXH mang lại, BHXH tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các dịch vụ công đang được cơ quan BHXH thực hiện trên môi trường số như: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình; đăng ký tham gia BHXH tự nguyện; đăng ký đóng BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; đóng tiếp BHXH tự nguyện; đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công; giải quyết hưởng BHXH 1 lần áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trên thiết bị di động.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ các đơn vị sử dụng lao động sử dụng Dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch với cơ quan BHXH. Tiếp tục thu thập, rà soát, cập nhật thông tin CCCD/số định danh cá nhân của người tham gia vào CSDLQG về bảo hiểm để tăng tỷ lệ xác thực với CSDLQG về dân cư.../.

Cùng chuyên mục
BHXH tỉnh Thanh Hóa: Chuyển đổi số hiệu quả từ chuyển đổi nhận thức