BIDV và mục tiêu dẫn đầu xu thế ngân hàng mở

(BKTO) - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt mục tiêu đến 2025 và các giai đoạn tiếp theo giữ vững vị thế ngân hàng số 1 về hoạt động ngân hàng mở tại Việt Nam trên tất cả các khía cạnh…

open-bidv.jpg
Từ thời điểm ra mắt hệ thống BIDV Open API đến nay cho thấy đã có nhiều đối tác chủ động trải nghiệm nền tảng Open API và đề xuất kết nối với BIDV. Ảnh: BIDV

Tận dụng tiềm năng, cơ hội phát triển ngân hàng mở

Theo báo cáo của Gartner, sau giai đoạn áp dụng các công nghệ mới để đưa sản phẩm lên kênh số, xu hướng tiếp theo sẽ là phát triển hệ sinh thái mở để tạo ra sự tiếp cận của tất cả các bên đối với dịch vụ ngân hàng.

Trên thế giới, ngân hàng mở đã thay đổi trải nghiệm khách hàng với việc cung ứng dịch vụ “từ bên ngoài ngân hàng” một cách đơn giản, liền mạch và không rào cản trên các phần mềm/ứng dụng mà khách hàng sử dụng hằng ngày. Ngân hàng mở đã mang lại sự thay đổi trực tiếp và gián tiếp nguồn thu nhập của nhiều ngân hàng và đang được áp dụng mạnh mẽ tại các ngân hàng lớn trên thế giới.

Tại Việt Nam, ngân hàng mở có tiềm năng phát triển trong điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng, quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ và thị trường đang hình thành đa dạng các công ty nền tảng.

Kinh doanh ngân hàng mở là xu thế tất yếu và mở ra các cơ hội rất lớn để phát triển nền khách hàng, mang lại cả quy mô và hiệu quả kinh doanh. Hiện nay có khoảng 92% doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số, 18.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang cung cấp các sản phẩm, ứng dụng, nền tảng, phục vụ đến 95% thị trường ở Việt Nam. Điều đó cho thấy tiềm năng khai thác nền khách hàng từ các đối tác là rất lớn.

Kết quả ghi nhận từ thời điểm ra mắt hệ thống BIDV Open API đến nay cho thấy đã có nhiều đối tác, trong đó có cả những đối tác có vị thế trên thị trường chủ động trải nghiệm nền tảng Open API và đề xuất kết nối với BIDV.

Bên cạnh việc đánh giá và lựa chọn các đối tác phù hợp nhất, BIDV cũng sẵn sàng chia sẻ lợi ích, kinh nghiệm nhằm tối ưu giá trị cho cả hai bên. Việc kết nối với đối tác mở ra cơ hội mở rộng nền khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, đồng thời, BIDV hưởng lợi từ các giao dịch mà đối tác cung ứng cho khách hàng.

Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long khẳng định: “Tiên phong đi đầu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới và lợi thế kinh doanh cho ngân hàng. Tôi mong rằng, tất cả các chi nhánh sẽ tận dụng tối đa các cơ hội phát triển nền khách hàng từ các chính sách kinh doanh ngân hàng mở để hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 và những năm tiếp theo”.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, BIDV - chia sẻ: Mục tiêu đến 2025 và các giai đoạn tiếp theo BIDV giữ vững vị thế ngân hàng số 1 về hoạt động ngân hàng mở tại Việt Nam trên tất cả các khía cạnh: số lượng đối tác hợp tác; số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng tích hợp và quy mô giao dịch trên các nền tảng của đối tác.

“Hiện nay, BIDV đã sẵn sàng cả về hệ thống công nghệ, quy trình chính sách phát triển đối tác, cơ chế hợp tác kinh doanh, cơ chế động lực cho chi nhánh, các chính sách marketing và truyền thông, các chính sách tiếp thị khách hàng trên nền tảng của đối tác. Tuy nhiên, để hoạt động ngân hàng mở thực sự bùng nổ, cần có sự vào cuộc của các chi nhánh trên toàn hệ thống trong công tác phát triển đối tác nền tảng và phát triển khách hàng số từ nền tảng của đối tác” - Bà Đỗ Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Kiên trì, vững tâm chinh phục đối tác nền tảng

Theo bà Nguyễn Kiều Trang - Trưởng phòng Phát triển kênh phân phối Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, BIDV, bí quyết để tăng tốc trong công tác phát triển đối tác chính là sự tương tác nhanh giữa trụ sở chính và chi nhánh để phục vụ mọi nhu cầu khách hàng trên các nền tảng số. Trụ sở chính đã tập trung hóa quy trình ký kết hợp đồng, kết nối, golive đối tác nền tảng để chi nhánh tập trung vào công tác bán hàng.

Bà Kiều Trang chỉ ra các tiêu chí nhận diện đối tác mục tiêu bao gồm: Đối tác cung cấp các sản phẩm phù hợp với dịch vụ ngân hàng tích hợp như công ty cung cấp các giải pháp ERP, phần mềm/nền tảng bán hàng, nền tảng quản lý khách sạn, phần mềm quản lý trường học, phần mềm quản lý nhân sự/lương, phần mềm quản lý dòng tiền; các công ty có uy tín, vị thế, có số lượng lớn khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân; đối tác năng động, có mong muốn gia tăng tính năng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh.

bidv-ngan-hang-mo.jpg
BIDV ra mắt Hệ thống BIDV OPEN API. Ảnh: BIDV

Bà Phạm Thị Thanh Hải - Trưởng phòng Dịch vụ ngân hàng số BIDV Tây Hồ chia sẻ: “Muốn cộng đồng khách hàng sử dụng nền tảng biết đến BIDV, cần phải có các khách hàng trải nghiệm. Do đó, cần làm tốt các khâu ngay từ ban đầu, tạo sự tự tin cho công ty nền tảng đẩy mạnh công tác chào bán sản phẩm dịch vụ của BIDV tới các khách hàng khác trên nền tảng”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Phú Nhuận, triển khai kết nối với các đối tác nền tảng để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tổ chức cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa chi nhánh và các ban, trung tâm tại trụ sở chính không chỉ về kỹ thuật mà còn về chính sách bán lẻ, bán buôn đi kèm. Chi nhánh đầu mối phải luôn đồng hành và phối hợp tốt với các đối tác để khai thác nền khách hàng hiện hữu cũng như tiềm năng của họ, có chính sách chăm sóc đội ngũ kinh doanh để họ tiếp thị song song cùng với BIDV.

Các ý kiến đều cho rằng, bên cạnh tiềm năng và cơ hội, việc phát triển đối tác nền tảng đi cùng với nhiều thách thức, nhất là trong giai đoạn đầu tiếp cận khách hàng. Việc giới thiệu nền tảng đòi hỏi thời gian dài để khách hàng có thể trải nghiệm và thấu hiểu, cũng như yêu cầu sự hỗ trợ sát sao hơn từ phía cán bộ tư vấn so với các sản phẩm ngân hàng khác. Do đó, trong thời gian đầu, cán bộ cũng như chi nhánh cần kiên trì, vững tâm và có kế hoạch bám sát nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng./.

Cùng chuyên mục
BIDV và mục tiêu dẫn đầu xu thế ngân hàng mở