Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội

(BKTO) - Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được xây dựng nhằm nâng cao năng lực hoạt động, phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội.

ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-la-gi.jpg
Việc xây dựng Nghị định nhằm tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức và hoạt động cho NHCSXH trong triển khai thực hiện “sứ mệnh lịch sử” cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách. Ảnh ST

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH. Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NHCSXH đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ được giao tại Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) và các văn bản pháp lý liên quan.

Tạo thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Ngân hàng

Khoản 2 Điều 17 Luật các TCTD năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách.

Tại Kỳ họp bất thường tháng 01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật các TCTD năm 2024, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, trong đó, Chương II (từ Điều 16 đến Điều 26) quy định về thẩm quyền của Chính phủ đối với ngân hàng chính sách.

Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước đối với ngân hàng chính sách. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng chính sách, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Việc xây dựng Nghị định nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu, định hướng đề ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Theo đó, giai đoạn mới đến năm 2030, mục tiêu phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định lâu dài.

Duy trì NHCSXH là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ. Tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc xây dựng, ban hành Nghị định là cần thiết nhằm tiếp tục phát huy được những ưu điểm, hiệu quả trong mô hình tổ chức, hoạt động đặc thù của NHCSXH; đồng thời khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tế để đảm bảo phù hợp với định hướng hoạt động của NHCSXH trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức và hoạt động cho NHCSXH trong triển khai thực hiện “sứ mệnh lịch sử” cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Các nội dung tại Nghị định phải đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021.

Sửa đổi các quy định không còn phù hợp

Dự thảo Nghị định quy định các vấn đề liên quan đến cơ cấu, tổ chức, phạm vi, nội dung hoạt động của NHCSXH trên nguyên tắc kế thừa các quy định trước đây về mô hình, cơ cấu, tổ chức, hoạt động của NHCSXH đang còn phát huy hiệu quả, đồng thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với quy định hiện hành và thực tế hoạt động của NHCSXH.

Theo Dự thảo, NHCSXH là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhà nước là chủ sở hữu của NHCSXH. Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với NHCSXH. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của NHCSXH. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại NHCSXH.

Cơ cấu tổ chức của NHCSXH được giữ nguyên theo mô hình hiện nay của NHCSXH, bao gồm: Hội đồng quản trị và bộ máy giúp việc (Ban Chuyên gia tư vấn, Ban Thư ký Hội đồng quản trị); Ban Kiểm soát; Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc (các Phó Tổng Giám đốc và bộ máy chuyên môn nghiệp vụ).

Nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách: bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các nội dung về đối tượng vay vốn, mục đích vay vốn, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức cho vay… phù hợp với phạm vi hoạt động hiện nay của NHCSXH.

Cùng chuyên mục
Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội