Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2024, trong 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phát triển Đảng, đến nay, có 6 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm, 9 chỉ tiêu đạt trên 65% kế hoạch năm.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng ước tăng 7,05%. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chuyển biến tích cực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực dần phục hồi và có đơn hàng xuất khẩu trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 6,31% (cùng kỳ tăng 4,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 255.099 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ, cao hơn cả nước (8,5%).
Thu ngân sách 51.014 tỷ đồng, đạt 71% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh giao và 79% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 16% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách 11.832 tỷ đồng, đạt 39% dự toán điều chỉnh Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao, bằng 82% cùng kỳ, trong đó, chi giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 01/10/2024 là 6.621 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 43,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 25,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,2 tỷ USD, tăng 13,4%.
Trong 9 tháng, tỉnh Bình Dương cũng thu hút được 58.988 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (đạt 85,7% cùng kỳ) và 1,56 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (đạt 86,86% kế hoạch, bằng 94,1% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 71.776 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 786.000 tỷ đồng và 4.347 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42 tỷ USD.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu cấp ủy, chính quyền nghiêm túc nhìn nhận các chỉ tiêu Bình Dương thực hiện thấp hơn của Trung ương, rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục, phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.
Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, người đứng đầu tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương rà lại nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2024, chỉ tiêu đạt thấp, chưa đạt yêu cầu thì phải tăng tốc. Chuẩn bị trước một số công việc năm 2025, tránh trường hợp mất 6 tháng để làm hồ sơ.
Phấn đấu thu ngân sách năm 2024 vượt trên 10%, dự toán năm 2025 vượt 12%, tương đương 80.000 tỷ đồng; nỗ lực tăng thu, đặc biệt là những khoản thu địa phương được hưởng 100%. Triển khai đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển. Bố trí từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng để các địa phương cải tạo đô thị; bố trí kinh phí cho giáo dục, y tế. Đề án đầu tư cho giáo dục phải đảm bảo hoàn chỉnh từng lớp, từng cấp để học sinh học 2 buổi/ngày.
Triển khai thực hiện Quy hoạch của tỉnh; xây dựng Đề án tỉnh Bình Dương thành thành phố thuộc Trung ương vào năm 2030; phê duyệt và công bố Quy hoạch các huyện. Đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ cao 220 hecta ở Thành phố mới.
Tập trung các thủ tục khởi công cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 4. Xây dựng Đề án huy động nguồn lực và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị Suối Tiên - Thành phố mới Bình Dương và tuyến đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn tại vị trí mới, phấn đấu khởi công trong năm 2025./.