Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương, năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,48%; GRDP bình quân đầu người đạt 181,2/185,5 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 352.000 tỷ đồng, tăng 13,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện gần 162.000 tỷ đồng, tăng 11%. Đến ngày 28/11/2024, đầu tư trong nước thu hút 77.131 tỷ đồng.
Năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư 32 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 102.309 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đến cuối năm 2024 đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ (vượt kế hoạch năm 2024). Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, triển khai Quy hoạch tỉnh, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng 36 mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2025.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trên 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 195 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9% - 10%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.8 tỷ đô la Mỹ…
Để đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đặt ra, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo tăng cường đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cùng với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế đêm; phát triển công nghiệp gắn liền với hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác; hình thành các ngành dịch vụ chất lượng cao dựa trên công nghệ 4.0, phát triển các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao; tái cơ cấu ngành thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ, số hóa và đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.
Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thông minh, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để tạo bứt phá trong liên kết vùng, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, các cầu vượt, nút giao để kết nối thông suốt với TP. Hồ Chí Minh và cảng biển, sân bay quốc tế…/.