Blockchain và những tác động mạnh mẽ đối với hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Blockchain được coi là một trong những công nghệ hàng đầu góp phần cách mạng hóa hoạt động của các hãng kiểm toán, thay đổi cách xử lý thông tin và giao tiếp. Tuy nhiên, công nghệ này cũng mang lại những rủi ro khiến nhiều công ty e ngại.



Công nghệBlockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu. Ảnh: kreston

Công nghệ hỗ trợ đắc lực cho kiểm toán

Blockchain có 3 đặc điểm chính: Tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc chính xác, tính bảo mật dữ liệu và tính phi tập trung, thông tin được giao dịch mà không cần qua mạng trung tâm. Nếu công nghệ này được kết hợp với các hợp đồng thông minh, việc lập trình trao đổi giữa 2 bên không cần trung gian sẽ giúp các công ty nâng cao hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, có thể tổ chức lại các thủ tục kiểm toán hiện tại và thúc đẩy sự xuất hiện của một thế hệ kiểm toán mới là kiểm toán 4.0. Blockchain được chứng minh có thể giải quyết 2 vấn đề chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai kiểm toán 4.0 là tính toàn vẹn của dữ liệu và hoạt động thích hợp của các phương pháp kiểm toán thông minh.

Blockchain cho phép ghi lại giao dịch dưới dạng một sự kiện duy nhất. Quy trình này rất hiệu quả đối với các công ty kiểm toán vì giúp tiết kiệm thời gian, công sức nhập và lưu trữ giao dịch trong nhiều cơ sở dữ liệu, giúp giảm đáng kể sai sót và gian lận, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty đặc biệt có khả năng tối ưu hóa các quy trình kiểm toán hiện tại.

Đặc biệt, Blockchain cho phép kiểm toán viên tiết kiệm thời gian cho các công việc lặp đi lặp lại như xác nhận và xác minh số lượng, số dư. Blockchain kết hợp với các công nghệ khác có thể thay đổi quy trình kiểm toán bằng cách sửa đổi cách kiểm toán viên thu thập bằng chứng, truy cập và phân tích dữ liệu. Kiểm toán viên dường như không có quyền lựa chọn ngoài việc tiếp nhận công nghệ và thay đổi các quy trình không phù hợp để không bị tụt hậu.

Nhận thức được tiềm năng của Blockchain, các hãng kiểm toán đã sớm đầu tư nghiên cứu công nghệ này. Từ năm 2017, EY đã trở thành hãng kiểm toán đầu tiên chấp nhận Bitcoin (Tiền điện tử - một trong những cách phổ biến nhất sử dụng Blockchain) cho dịch vụ tư vấn và đầu tư vào phát triển các ứng dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng Blockchain. Cũng trong năm này, KPMG ra mắt các dịch vụ dựa trên Blockchain mới với đối tác Microsoft để hỗ trợ các công ty thực hiện các quy trình kinh doanh. Từ năm 2016, Deloitte đã sớm tạo ra phòng thí nghiệm Blockchain đầu tiên. Cùng năm, PwC ra mắt các dịch vụ tài sản kỹ thuật số bằng cách sử dụng công nghệ Blockchain.

Thích ứng để đối phó với rủi ro

Vì đòi hỏi thay đổi cơ bản về tổ chức, kỹ năng, công cụ và phương pháp làm việc cũ, Blockchain cũng có thể tạo ra nhiều rủi ro. Nhiều công ty kiểm toán lo ngại trước sự phát triển vượt bậc của Blockchain và e rằng, nó có thể thay đổi hoàn toàn phương pháp làm việc, kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh. Blockchain có thể giúp các công ty kiểm toán tạo ra nhiều cơ hội phát triển các dịch vụ mới nhưng cũng có thể “xóa sổ” các dịch vụ hiện có. Có 2 loại chính gồm Blockchain công khai và riêng tư. Trong trường hợp công khai, ai cũng có thể truy cập và thực hiện giao dịch, do đó, có thể tạo ra các rủi ro, đặc biệt tình trạng dữ liệu bị truy cập trái phép, tính bảo mật bị đe dọa…

Do đó, các công ty kiểm toán phải nhạy bén hơn và nâng cao năng lực của nhân sự để đổi mới và đối phó với rủi ro; các kiểm toán viên cần kịp thời nắm bắt công nghệ mới để tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn. Đây là cách duy nhất để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường kiểm toán và đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Nhận thức được những rủi ro này, các hãng kiểm toán nhóm Big Four đã phối hợp với nhau trong một dự án chung với 20 ngân hàng tại Đài Loan (Trung Quốc) nhằm cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán mới. Mục tiêu của sự hợp tác này là thử nghiệm một nền tảng Blockchain mới cho phép kiểm toán viên trực tiếp xác minh bằng chứng về các giao dịch. Các hãng kiểm toán không còn đánh giá bằng chứng kiểm toán theo cách thủ công vì thông tin giao dịch có thể dễ dàng truy cập và có thể được xác thực thông qua Blockchain, giúp tiết kiệm thời gian. Big Four vẫn đang đầu tư mạnh vào công nghệ này để có được kỹ năng và phát triển các công cụ, thủ tục kiểm soát mới.

Blockchain có thể cải thiện nghề nghiệp kiểm toán nhưng cũng tạo ra những thách thức mới. Do đó, kiểm toán viên cần nâng cao nhận thức về công nghệ này đối với nghề nghiệp, quá trình kiểm toán và sự phát triển của doanh nghiệp. Ở cấp độ quản lý, các chuyên gia kiểm toán cần tận dụng công nghệ trong quy trình kiểm toán, các dịch vụ họ cung cấp và cơ hội phát triển các hoạt động mới. Các cơ quan quản lý lĩnh vực kiểm toán cần nắm bắt thông tin để áp dụng vào các chuẩn mực kiểm toán. Đồng thời, các trường đại học đào tạo ngành kiểm toán cần cập nhật các kỹ năng, công nghệ mới mà kiểm toán viên cần có để phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu./.
         
Blockchain được hiểu đơn giản như một cuốn sổ cái kế toán công cộng, trong đó, thông tin được lưu trữ và truyền tải minh bạch, toàn vẹn, không thể thay đổi hay gian lận. Đây là một công nghệ mới giúp cải thiện nhiều mặt hạn chế của cách lưu trữ, trao đổi thông tin truyền thống. Do đó, Blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.

TUỆ LÂM (Theo cairn.info và tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Đo lường hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo chuẩn quốc tế
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc ban hành Khung đo lường hoạt động của cơ quan kiểm toán (SAI PMF) là cơ sở để Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) tự đánh giá hiệu quả hoạt động của mình so với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt. Đồng thời, kết quả đánh giá sẽ được KTNN sử dụng để lập kế hoạch chiến lược, phát triển năng lực, giám sát hiệu quả hoạt động và tăng cường trách nhiệm giải trình...
  • Đảm bảo đầy đủ, gắn với nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đối với hoạt động kiểm toán, bằng chứng kiểm toán luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đảm bảo tính chắc chắn, thận trọng cho mỗi nhận định, đánh giá kiểm toán được đưa ra. Trong bối cảnh yêu cầu đối với hoạt động kiểm toán ngày càng cao, việc đảm bảo đủ bằng chứng, gắn với nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán là vấn đề được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm.
  • Hoa Kỳ: Kiểm toán công tác xử lý sự cố tuyết tại Virginia
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Văn phòng Tổng thanh tra bang Virginia (OSIG) đã công bố một Báo cáo kiểm toán sau khi đánh giá hiệu quả công tác xử lý tuyết trong năm 2022 của một số cơ quan tại bang như Sở Giao thông Vận tải Virginia (VDOT), Cơ quan Quản lý dịch vụ khẩn cấp Virginia (VDEM) và Cơ quan Cảnh sát Virginia (VSP).
  • Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Nghệ An
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 04/10, tại Tỉnh đoàn Nghệ An, Chi đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực II thay mặt Đoàn Thanh niên KTNN đã trao quà ủng hộ đồng bào huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
  • Châu Âu: Phục hồi đáng kể trong suốt thời kỳ đại dịch
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Mới đây, Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) đã hoàn thành một cuộc kiểm toán và cho biết “Các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) thể hiện “khả năng phục hồi đáng kể” trong suốt thời kỳ đại dịch”. Theo báo cáo đặc biệt của ECA vừa được công bố, Nghị viện châu Âu, Hội đồng, Ủy ban châu Âu và Tòa án công lý của Liên minh châu Âu đã “phản ứng nhanh chóng, linh hoạt và được hưởng lợi từ các khoản đầu tư trước đây họ đã thực hiện trong quá trình số hóa”.
Blockchain và những tác động mạnh mẽ đối với hoạt động kiểm toán