Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hiến kế để Chính phủ về đích sớm các mục tiêu năm 2020

(BKTO)- Chiều 09/01, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”.



Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Hội nghị thể hiện tinh thần đổi mới, tập trung vào những nội dung quan trọng của nền kinh tế nói chung và của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê nói riêng trong việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển sắp tới.
                
   

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: MPI

   

Năm 2019, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đóng góp vào thành tích chung của cả nước, Bộ KH&ĐT đã phát huy vai trò quan trọng của một cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về tham mưu xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành kinh tế-xã hội hiệu quả.

Box: Bộ KH&ĐT đang tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh 3 dự án Luật quan trọng, có ý nghĩa xương sống của nền kinh tế, để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là Luật Đầu tư theo phương thức công - tư (PPP), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Năm 2020, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP, với phương châm “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và cũng là những nội dung quan trọng của cả nền kinh tế.

Một là, dành ưu tiên cao nhất, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Hai là, tập trung cao độ mọi nguồn lực và thời gian cho công tác thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, xuyên suốt của toàn ngành và cũng là nhiệm vụ cốt lõi của nền kinh tế. Đồng thời, sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù, vượt trội đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia; Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế và xây dựng các giải pháp để ứng dụng, phát triển mô hình “kinh tế ban đêm”; Chuẩn bị tốt các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn có liên quan.

Tổ chức lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành, lĩnh vực và địa phương. Thực hiện phân lại vùng làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và quy hoạch vùng hợp lý, hiệu quả.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ điều phối kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc theo dõi, phân tích tình hình, chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tham mưu các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội. Tập trung nghiên cứu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế-xã hội, triển khai có hiệu quả Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, thống kê dân số, nhà ở, đánh giá quy mô GDP theo chuỗi số liệu đến năm 2020 để phục vụ đại hội Đảng các cấp.

Bốn là, phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển DNNN quy mô lớn; Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tư nhân áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030…

Năm là, thực hiện đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Luật đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai. Xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, tạo sự gắn kết giữa DN FDI và DN trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển. Xây dựng định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021-2030…

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP cùng với những định hướng nêu trên, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 06/01/2020, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, trách nhiệm đơn vị chủ trì và chế độ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù nhiều nút thắt được tháo gỡ, một số động lực đã được khơi thông nhưng nhìn chung, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị- Ảnh: VGP

   

Thủ tướng đề nghị, năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. Trong đó, Bộ KH&ĐT phải xung phong đi đầu giải các bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

Bộ KH&ĐT cần hiến kế làm sao để về đích sớm các mục tiêu kinh tế-xã hội, có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương để nhanh chóng đưa Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020. Theo Thủ tướng Chính phủ, đây là nhiệm vụ lớn của Bộ KH&ĐT.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT và hệ thống ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê nghiên cứu các chính sách có tính đột phá lớn để Việt Nam tăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cần tổ chức nghiên cứu xây dựng, đề xuất thể chế thực sự đột phá cho liên kết vùng về cả cơ chế, tổ chức, tài chính, ngân sách, quản trị, con người.

Cùng với đó, Bộ cần nghiên cứu thúc đẩy việc lồng ghép có hiệu quả hơn nữa 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào Chiến lược quốc gia của các địa phương để sự phát triển của Việt Nam không lạc nhịp với xu hướng của thế giới.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng khẳng định, khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng thịnh vượng vào năm 2045 là một thực tế. Không ai khác, chính Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hiến kế để Chính phủ về đích sớm các mục tiêu năm 2020