Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch năm 2019

(BKTO)- Ngày 03/01, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.



Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2018 GDP của ngành nông nghiệp tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 42,4%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỷ USD, tăng 1,4%; thuỷ sản ước đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (tôm: 3,59 tỷ USD, rau quả 3,81 tỷ USD, hạt điều: 3,43 tỷ USD, cà phê: 3,46 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD, gạo 3,43 tỷ USD).
                
   

Tải ảnhThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN

   
Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân hoặc nguồn cung thiếu (thịt lợn) nên giá tăng cao...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp trong năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn, bất cập. Cụ thể, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn (khoảng 38%). Cơ cấu lại nông nghiệp được triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Môi trường nông thôn còn là vấn đề lớn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu ngành Nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD.

Gợi ý các giải pháp để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu. Thứ 2 là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thứ 3 là làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra…

Thứ 4, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn.

Thủ tướng đề nghị, ngành Nông nghiệp cần theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ. Phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống.

Cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. “Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân, đừng có hời hợt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp” - Thủ tướng yêu cầu.
         
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 3,0%, giá trị sản xuất đạt 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 43 tỷ USD; 50% số xã tổng số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới và 70 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch năm 2019