Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản

(BKTO) - Bộ Tài chính đã giải đáp các nội dung kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu kinh doanh thương mại đối với phế liệu, phế phẩm, lập hóa đơn đối với hàng hóa bị trả lại, hoàn thuế GTGT.

thuy-san-292.jpg
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế và hóa đơn điện tử. Ảnh: ST

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các cục thuế địa phương và các doanh nghiệp để các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản (dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến) nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.

Về kiến nghị này, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp các loại phế liệu, phế phẩm được xác định là sản phẩm thủy hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bằng các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính nếu do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

Tuy nhiên, đối với trường hợp các loại phế liệu, phế phẩm của các mặt hàng thủy hải sản được xác định là mặt hàng đã qua chế biến thì phải kê khai nộp thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.

Bên cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bên liên quan để cho phép dù áp dụng bất kỳ thủ tục hay hình thức trả hàng nào thì bên mua - bên bán vẫn được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với điều kiện vẫn đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.

Đối với kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ có người bán lập hóa đơn. Theo đó, khi trả lại hàng hóa thì người bán thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn đã lập, ghi nhận giảm doanh thu đầu ra, người mua ghi nhận giảm doanh thu đầu vào tương ứng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trong đó dự kiến quy định cụ thể đối với nội dung nêu trên.

Về những nội dung kiến nghị của VASEP liên quan đến hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính cũng đã giải đáp chi tiết.

Trước hết, việc cấp mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử dựa trên thông tin của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. Người bán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của hóa đơn điện tử lập khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cũng như các thông tin trên hóa đơn khi gửi hóa đơn đến cơ quan thuế để cấp mã cho hóa đơn.

Đối với các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, hiện nay, danh sách các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh được ngành thuế cập nhật, công khai trên website của cơ quan thuế, người nộp thuế có thể truy cập vào website để biết các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoàn thuế, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra xác minh các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro cao, đây là biện pháp cần thiết và là một trong các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế. Khi doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế thì được hoàn thuế GTGT theo quy định pháp luật...

Bộ Tài chính khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế và hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập "doanh nghiệp ma" để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước./.

Cùng chuyên mục
Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản