Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo về sản xuất, cung ứng, điều hành giá xăng dầu

(BKTO) – Tình hình sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu là một trong những nội dung vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, nhằm phục vụ cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng mai (16/3).



Nguồn cung khó khăn do giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Theo báo cáo, Việt Nam hiện nay có 2 nhà máy lọc dầu: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm. Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%).                
   

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời chất vấn về vấn đề sản xuất, cung ứng xăng dầu. Ảnh: TTXVN

   

Năm 2021, sản lượng sản xuất của hai nhà máy đạt 13,88 triệu m3, trong đó: sản lượng sản xuất của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt khoảng 7,19 triệu m3; sản lượng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt khoảng 6,69 triệu m3.

Về nhập khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 03 doanh nghiệp chỉ chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không). Năm 2021, cả nước nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 xăng dầu các loại. Dự kiến năm 2022, nhu cầu khoảng 7,4 triệu m3. Lũy kế 2 tháng đầu năm, các DN đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu các loại.

Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.

Về nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu giảm, Báo cáo nêu, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1/2022, Nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất. Do đó, việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2/2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (365.200 m3/739.900 m3, tháng 3 cũng giảm 20% (kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).

Còn theo báo cáo của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước giảm nên từ cuối tháng 01/2022, Nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 07/2/2022 đã nâng công suất lên 105%. Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 350.000 m3 xăng và 270.000 m3 dầu mỗi tháng, song mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, trong tháng 3, nguồn cung cho xăng dầu trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường song sẽ cơ bản được đáp ứng đủ do tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang, cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công thương phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung .

Báo cáo cũng nêu rõ, hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.

Vì vậy, Bộ Công thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy này.

Công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước

Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (DN kinh doanh xăng dầu, DN sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng); khuyến khích các DN kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
                
   

Bộ Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến và bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn

   

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Bộ trưởng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài chính, rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp, nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu để các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được Bộ Công Thương phân giao.

Với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ Công Thương kiến nghị Ủy ban này chỉ đạo PVN triển khai các nhiệm vụ đã thống nhất với Bộ Công thương để nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ và Bộ Công thương.

Đồng thời, chỉ đạo PVN làm việc cụ thể với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cho Bộ Công thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo từng tháng để các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị các DN kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung theo phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu được giao để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước khi nguồn cung từ sản xuất trong nước không bảo đảm cung ứng đủ theo kế hoạch…/.
ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
  • Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 14/03, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã có buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng Dự thảo Đề án có tầm quan trọng đặc biệt này.
  • Chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời thấu đáo các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ trì cuộc làm việc với đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chiều 15/3, nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội cố gắng cùng làm sáng tỏ vấn đề, để sau chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH ban hành kết luận, nghị quyết với các giải pháp đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực.
  • Giải pháp ngăn chặn trục lợi từ đấu giá đất
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Theo dự kiến chương trình, chiều mai (16/3) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm liên quan đến tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi.
  • Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chính phủ quyết định miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025.
  • Trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn viện trợ nước ngoài
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, UBTVQH khẳng định, việc xem xét, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo về sản xuất, cung ứng, điều hành giá xăng dầu