Chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời thấu đáo các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm

(BKTO) - Chủ trì cuộc làm việc với đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chiều 15/3, nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội cố gắng cùng làm sáng tỏ vấn đề, để sau chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH ban hành kết luận, nghị quyết với các giải pháp đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực.



Chất vấn trực tiếp và trực tuyến

Đây là lần đầu tiên UBTVQH khoá XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại các phiên chất vấn trước đây, chủ yếu chỉ có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương tham dự nhưng lần này các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đều có thể tham gia chất vấn.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

   

Theo thông lệ tại Phiên họp tháng 3 và tháng 8 hàng năm của UBTVQH sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên họp này, trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, những vấn đề nóng phát sinh trong thực tiễn cuộc sống đang được dư luận quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp được 6 nhóm vấn đề trình UBTVQH xem xét, biểu quyết và chọn ra 2 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn.

Nhóm vấn đề thứ nhất gồm: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Nhóm vấn đề thứ hai gồm: việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá, các nội dung chất vấn là các vấn đề rất nóng hiện nay mà cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần phải làm rõ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị về nội dung, các điều kiện về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật truyền hình trực tuyến, hội trường, âm thanh, micro, đường truyền tín hiệu, ghi âm…) và bảo đảm an ninh, an toàn, y tế, công tác phòng, chống dịch Covid -19… đã được Văn phòng Quốc hội triển khai nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm các điều kiện phục vụ tốt nhất cho phiên chất vấn.

Phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm nhằm đảm bảo phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ làm rõ các thắc mắc của UBTVQH, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
                
   

Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

   
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong từng nhóm vấn đề chất vấn đều chia thành 2 loại: Một là, những vấn đề đã được Quốc hội, UBTVQH nhiệm kỳ trước chất vấn, giám sát chuyên đề và đã có Nghị quyết; hai là, những vấn đề thời sự nổi lên hiện nay.

Với loại vấn đề thực hiện các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, do thời gian dành cho phiên chất vấn chỉ một ngày, trong khi có nhiều vấn đề quốc kế dân sinh mang tính chất thời sự hiện nay đang cần phải xem xét, Chủ tịch Quốc hội thống nhất và giao Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung vào một số Nghị quyết của khoá XIV.

Với các vấn đề thời sự hiện nay, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu). Báo cáo của Bộ Công thương đã giải trình các vấn đề này nhưng qua chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.

Hay vấn đề đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai cũng đang rất nóng, rất thời sự. Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 54 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đề xuất chất vấn về UBTVQH đều quan tâm đến vấn đề này; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần trả lời rõ, đồng thời, nghiên cứu thêm ý kiến các hiệp hội về vấn đề này để xem chính sách, pháp luật có vấn đề gì và cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào.

Lưu ý hai nhóm vấn đề lớn được đưa ra chất vấn không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn có trách nhiệm của các Bộ, ngành khác và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thấu đáo cho đại biểu Quốc hội, cho cử tri và Nhân dân. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy kinh nghiệm chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả thời gian để chất vấn làm rõ các vấn đề, làm cơ sở để UBTVQH ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực này.
ĐĂNG KHOA



Cùng chuyên mục
  • Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 14/03, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã có buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng Dự thảo Đề án có tầm quan trọng đặc biệt này.
  • Giải pháp ngăn chặn trục lợi từ đấu giá đất
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Theo dự kiến chương trình, chiều mai (16/3) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm liên quan đến tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi.
  • Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo về sản xuất, cung ứng, điều hành giá xăng dầu
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Tình hình sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu là một trong những nội dung vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, nhằm phục vụ cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng mai (16/3).
  • Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chính phủ quyết định miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025.
  • Trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn viện trợ nước ngoài
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, UBTVQH khẳng định, việc xem xét, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời thấu đáo các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm