Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2020, chấm dứt tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả

(BKTO) - Giải trình trước Quốc hội về tình hình tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xử lý 12 dự án kém hiệu quả của Bộ Công thương, tại phiên họp sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Theo lộ trình, trong năm 2018 và năm 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện và triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt và kết thúc vào năm 2020.



                
   

Tải ảnhBộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội sáng 27/10- Ảnh: quocoi.vn

   

Thêm 2 dự án sắp được ra khỏi danh sách

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong nỗ lực giải quyết tồn tại, việc xử lý các dự án yếu kém phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như: xử lý triệt để những tồn tại trong khuôn khổ luật pháp; tuân thủ đúng nguyên tắc thị trường, không có trợ cấp, trợ vốn từ ngân sách; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để xử lý đảm bảo tiến độ và đã đạt những kết quả tương đối tích cực.

Đối với 6 dự án trước phải dừng kinh doanh vì không có hiệu quả, nợ, đến nay đã có 2 dự án và nhà máy bước đầu có hiệu quả tích cực nghĩa là không còn lỗ và đã có lãi. Trên cơ sở 5 tiêu chí mà Chính phủ phân công cho Bộ xem xét, đảm bảo được yếu tố bền vững trong phát triển và khắc phục tồn tại, Bộ Công thương đang báo cáo với Chính phủ đưa các dự này ra khỏi danh sách 12 dự án.

“Đưa ra khỏi danh sách này không phải để lấy thành tích mà tạo điều kiện cho dự án thật sự hòa nhập với đời sống cộng đồng kinh tế và có điều kiện khắc phục tồn tại một cách bền vững”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Để ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án phải bảo đảm không còn nợ tín dụng, có phương án tài chính được tổ chức tín dụng chấp nhận, không còn khoản nợ về đầu tư hay nợ nghĩa vụ NSNN, với xã hội… Dự án DAP Hải Phòng và Dự án Thép miền Trung đã đáp ứng các yêu cầu này.

Ngoài ra, 4 dự án công nghiệp còn lại đã từng bước khôi phục hoạt động và đang có lãi, giảm lỗ. 3 dự án liên quan đến sinh học trong đó có dự án của Bình Phước đã khôi phục tất cả các trạng thái hoạt động thương mại và đang đợi cơ hội tham gia vào thị trường; Dự án Bình Sơn đang bắt đầu tham gia sản xuất và cung ứng cho xã hội các sản phẩm của mình và được chấp nhận. Riêng dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ cũng giống như dự án Gang thép Thái Nguyên hay Dự án Giấy Phương Nam có những vấn đề liên quan công nghệ, thậm chí là vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục cập nhật và báo cáo đầy đủ.

“Những nội dung này chúng ta làm đồng bộ, toàn diện kể cả xem xét trách nhiệm về mặt pháp luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự của các cá nhân và tổ chức có liên quan. Bởi vì, mục tiêu của chúng ta là giải quyết một cách đồng bộ và đảm bảo công bằng trước pháp luật. Đồng thời, không có những nguy cơ xảy ra trong tương lai”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, thương mại

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến tái cơ cấu kinh tế trong các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tiến hành đánh giá sơ kết kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế. Tổng thể chung trong nền kinh tế, đã có sự tăng trưởng đều trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại trong các lĩnh vực kinh tế, cũng như bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế công nghiệp, thương mại cũng như tăng trưởng GDP trong cả nền kinh tế.

Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực quan trọng cho tăng trưởng ngành công nghiệp thời gian qua. Năm 2016 đã tăng trưởng 16% và liên tiếp cũng đạt tỷ lệ trên 14% trong hai năm 2017, 2018. Tỷ trọng của ngành công nghiệp này không chỉ trong GDP mà còn trong cơ cấu ngành xuất khẩu cũng tăng mạnh, hiện đạt 82,48% kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng qua.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tiếp tục củng cố vị thế một số phân ngành và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng thương mại, xuất khẩu, cũng như GDP; đã hình thành một số các tập đoàn, các tổ chức kinh tế lớn cả trong các DNNN, đặc biệt là DN vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân.

Bên cạnh đầu tư nước ngoài vẫn có vị trí quan trọng của nền kinh tế cũng như xuất khẩu, song trong 9 tháng năm 2018 cũng đã chứng kiến sự phát triển của DN trong nước, giảm khoảng cách tăng trưởng xuất khẩu với khu vực đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy khoảng cách giữa hai khu vực trong nước và đầu tư nước ngoài đã có chuyển biến tích cực. Đồng thời, với các chính sách của Nhà nước đã từng bước có sự liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực DN trong nước, đặc biệt hình thành các nhóm chuỗi công nghiệp phụ trợ gắn DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Về cơ cấu các mặt hàng, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2011 có khoảng 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến nay nước ta đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngoài các sản phẩm công nghiệp, những nông sản lớn của nông nghiệp Việt Nam cũng cơ bản bảo đảm thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống người dân. Nhiều sản phẩm nước ta tham gia thị trường thế giới, khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị của thế giới.

Tuy nhiên giá trị gia tăng còn thấp, còn phụ thuộc vào trình độ công nghệ, năng suất lao động cũng như một số yếu tố tổng hợp khác. Đây là những nhiệm vụ lớn của cơ cấu nền kinh tế. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo, đẩy nhanh tốc độ của tái cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2020, chấm dứt tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả