Những sai phạm được KTNN chỉ ra là nỗi lo lắng lớn...

(BKTO) - “Điều mừng là KTNN đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình song điều lo lắng còn lớn hơn nhiều vì những sai phạm được nêu trong báo cáo của KTNN là quá lớn”- đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 26/10.



                
   

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- Ảnh: quochoi.vn

   
Tham gia thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016- 2020; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016- 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đánh giá cao những chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt được, song cũng bày tỏ trăn trở trước nhiều vấn đề bất cập, tồn tại.

Đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển kinh tế thị trường có phần méo mó, lệch lạc, DN, doanh nhân phải luôn ứng phó với rủi ro từ chính sách pháp luật, thành lập nhiều nhưng cũng giải thể nhiều, hoạt động cầm chừng, làm cho mục tiêu xây dựng 1 triệu DN hoạt động thực chất vào năm 2020 khó đạt được. Vì vậy, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ xây dựng môi trường chính sách pháp luật ổn định, tôn trọng sự phát triển của quy luật kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực để các DN nâng sức cạnh tranh trong phát triển và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng chỉ rõ, để đạt được các mục tiêu kinh tế- xã hội, một yếu tố không thể không tính đến là việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đối với nguồn lực đầu tư công, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho cả giai đoạn song trong quản lý, sử dụng còn quá nhiều bất cập, tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong việc chi tiêu, quản lý nguồn lực công đã được các báo cáo của KTNN, thanh tra, giám sát của các cơ quan nêu rất rõ.

“Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong tất các các khâu quản lý, sử dụng nguồn lực, tài sản công, nhất là NSNN và đầu tư công”- đại biểu Sinh nói.

Cho rằng nguồn lực trong nhân dân còn rất lớn và đó là nguồn lực không thể thiếu trong xây dựng và phát triển đất nước, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện chính sách đủ để khơi thông nguồn vốn này, phục vụ có hiệu quả cho phát triển đất nước. Trong đầu tư nâng cao hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội, cần cân đối trong phân bổ nguồn lực đầu tư đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tạo sự phát triển ổn định, bền vững.

Quan tâm đến những số liệu trong báo cáo của KTNN gửi tới Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu: Theo báo cáo của KTNN về kết quả kiểm toán năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019, kết quả kiểm toán 9 tháng năm 2018 của 140 báo cáo kiểm toán đã được xét duyệt kiến nghị xử lý tài chính 56.009 tỷ đồng. Điều mừng là KTNN đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình song điều lo lắng còn lớn hơn nhiều vì những sai phạm được nêu trong báo cáo của KTNN là quá lớn.

“Tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, tài chính, ngân sách quốc gia, vốn đầu tư công, trong cổ phần hóa DNNN làm cho đại biểu Quốc hội và cử tri nhân dân chưa thể yên tâm”- đại biểu bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, báo cáo của KTNN và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho thấy, việc chấp hành, xử lý các kiến nghị của KTNN về tài chính còn rất hạn chế. Năm 2018 mới thực hiện được 50 nghìn tỷ đồng/90 nghìn tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị của KTNN. Đáng lưu ý là tình trạng này kéo dài trong nhiều năm vừa qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đó cho thấy kỷ luật kỷ cương trong thực hiện kiến nghị của KTNN còn rất hạn chế.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, KTNN phải thống nhất quan điểm: Kết luận, kiến nghị xử lý tài chính của KTNN phải là văn bản pháp luật, các sai phạm mà KTNN kết luận về tài chính thực chất là các hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một nền tài chính công khai, minh bạch và hiệu quả”- đại biểu Sinh kiến nghị.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Những sai phạm được KTNN chỉ ra là nỗi lo lắng lớn...