Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (thành phố Cần Thơ). (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Theo ước tính của ngành thống kế thành phố Cần Thơ, trong năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thành phố có 4 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch đề ra.
Đó là chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn.
Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Cần Thơ cho biết, dự kiến năm 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ chỉ đạt 2,2%, so với kế hoạch là 7,82%.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây nhưng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề và kéo dài trong năm 2020 vừa qua, việc đạt được mức tăng trưởng dương cũng là điều rất đáng mừng vì trước đây dự kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm của thành phố chỉ ước đạt trên 1%.
Chỉ tiêu thứ 2 không đạt kế hoạch là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người GRDP ước thực hiện đạt 94,45 triệu đồng so với kế hoạch là 97,2 triệu đồng.
Nguyên nhân không đạt kế hoạch cũng là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho tình hình kinh tế giảm sút, tổng sản phẩm trên địa bàn cũng giảm sút nên chia theo bình quân đầu người cũng giảm theo.
Chỉ tiêu thứ 3 không đạt kế hoạch là về cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế năm 2020 trên địa bàn không theo xu hướng bình thường như các năm trước là giảm khu vực nông nghiệp và tăng khu vực công nghiệp, thương mại dịch vụ mà ngược lại, khu vực công nghiệp, thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trong khi khu vực nông nghiệp ít chịu ảnh hưởng, do đó khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản năm nay chiếm tỷ lệ đến 10,21% trong cơ cấu GRDP, trong khi kế hoạch là 7,24%.
Điều này đã làm cho khu vực công nghiệp và dịch vụ lại giảm xuống. Riêng khu vực thương mại dịch vụ giảm xuống gần 10% so với cùng kỳ.
Chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 của thành phố ước thực hiện được 54.740 tỷ đồng, đạt 65,31 % so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2020 kế hoạch đề ra phải thực hiện với tổng vốn là 83.812 tỷ đồng, tăng đến gần 61% so với năm 2019 do năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch của giai đoạn 2015-2020 nên tất cả những chỉ tiêu của các năm trước chưa thực hiện đạt kế hoạch được cộng dồn về năm 2020 nên đây là con số rất khó đạt được.
Cụ thể như năm 2018, Cần Thơ dự kiến đầu tư 2 tổ máy phát điện tại Ô Môn nhưng không được đưa vào đầu tư nên đã làm giảm gần 20.000 tỷ đồng của 2 dự án này, làm cho năm 2018 tổng vốn đầu tư không đạt kế hoạch kéo theo tổng vốn đầu tư năm 2020 cũng không đạt kế hoạch.
Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn đã giảm 4,46% so với kế hoạch đăng ký kinh doanh...
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện khống chế dịch COVID-19 rất tốt nhưng những tác hại của dịch vẫn có sức lan tỏa mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của thành phố.
Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố Cần Thơ như thủy sản, lúa gạo và trái cây đều bị ảnh hưởng làm cho tình hình xuất nhập khẩu bị sụt giảm nặng nề nhất.
Cụ thể năm 2020, ước xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố chỉ đạt 1,9 tỷ USD, đạt 56,06% so với kế hoạch, giảm 13,26% so với năm 2019.
Nguyên nhân trước tiên là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho tình hình xuất khẩu hàng hóa bị sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, chỉ tiêu của năm 2020 là chỉ tiêu được cộng dồn từ các năm trước trong nhiệm kỳ 2015-2020, nên có mức tăng rất lớn so với năm 2019 rất khó thực hiện đạt kế hoạch.
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên một số doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn chậm thực hiện giao hàng cho các đối tác ở nước ngoài, nhiều hợp đồng bị hủy, các hợp đồng mới ký kết chậm... nên sản lượng hàng hóa cũng như giá trị xuất khẩu bị sụt giảm rất lớn.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Toại, nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam được khống chế tốt trong năm 2021 thì các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà thành phố Cần Thơ đề ra như tăng trưởng kinh tế đạt 7,57% là hoàn toàn có thể thực hiện đạt và vượt kế hoạch.
Ngành công nghiệp thành phố với nhiều doanh nghiệp hiện đang phụ thuộc vào các mặt hàng sản xuất lớn như gạo, thủy sản và các mặt hàng chế biến đang chuẩn bị các điều kiện để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sau đại dịch để phát triển mạnh nền kinh tế.
Nhưng nếu tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, hoặc tình hình dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại trên toàn thế giới trong năm 2021 thì khả năng các chỉ tiêu kinh tế xã hội của thành phố đề ra sẽ không đạt./.
Theovietnamplus.vn