Bốn khuyến nghị của doanh nghiệp chế biến, chế tạo

(BKTO) - Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo khuyến nghị cần tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội, từ đó nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao.

cn1.jpg
Cần có nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: ST

Đó là 2 trong số 4 khuyến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong thời gian tới.

Hai khuyến nghị còn lại liên quan đến vấn đề cần có nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa; đồng thời, có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp.

Những khuyến nghị trên được tổng hợp từ ý kiến của 5.751 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sản xuất, kinh doanh quý sau khả quan hơn quý trước

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 64,9% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định (22,1% tốt hơn và 42,8% giữ ổn định), 35,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo về quý II/2024, các doanh nghiệp cho rằng sẽ khả quan hơn quý I với 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (45,4% tốt hơn, 36,6% giữ ổn định), 18% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.

Để đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chuyên gia của Tổng cục Thống kê đã dựa trên các chỉ số cân bằng. Kết quả cho thấy, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất, kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023 là -13% (22,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, 35,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn).

Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -7,8% (24,2% tốt hơn, 32% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp nhà nước -11% (24,9% tốt hơn, 35,9% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -15,5% (20,9% tốt hơn, 36,4% khó khăn hơn).

Dự báo về quý II/2024, chỉ số cân bằng chung so với quý I là 27,4% (45,4% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, 18% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn).

Trong đó, chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với 28,1% (45,9% tốt hơn, 17,8% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp FDI 26,7% (44,5% tốt hơn, 17,8% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp nhà nước 21,3% (43,2% tốt hơn, 21,9% khó khăn hơn).

Theo kết quả khảo sát quý I/2024, có 63,5% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý trước (20,9% tăng, 42,6% giữ nguyên); 36,5% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Nếu phân theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý trước tăng cao nhất với 28,6%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 48,3%.

Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 82,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (42,2% tăng, 40,7% giữ nguyên), 17,1% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tuy khó khăn hơn quý cuối của năm 2023 nhưng vẫn tích cực hơn nếu so sánh với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, 2 yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn đặt hàng xuất khẩu và sử dụng lao động đều tăng

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 66,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 tăng và giữ nguyên so với quý trước (19,1% tăng, 47,3% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 33,6%.

cn.jpg
66,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 tăng và giữ nguyên so với quý trước. Ảnh minh họa: ST

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I tăng cao nhất với 33,3%. Ngược lại, ngành dệt có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 42%.

Tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II khả quan hơn với 82,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý I (36,9% tăng, 46% giữ nguyên); 17,1% doanh nghiệp dự báo giảm.

Tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I cũng cải thiện hơn khi 9,9% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng so; 69,1% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 21% doanh nghiệp nhận định giảm.

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 25,2%. Ngược lại, ngành sản xuất trang phục có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2024 so với quý IV/2023 giảm nhiều nhất với 29,8%.

Dự báo sử dụng lao động quý II cũng khả quan hơn với 88,5% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (18,4% tăng, 70,1% giữ nguyên); 11,5% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong quý I, có 61,2% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (22,3% tăng, 38,9% giữ nguyên), trong khi 38,8% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.

Nếu phân theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có khối lượng sản xuất quý tăng cao nhất trong quý vừa qua với 29,1%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 52,4%.

Khối lượng sản xuất quý II được nhận định sẽ khả quan hơn với 82,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên, 17,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Khảo sát về giá bán sản phẩm cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên là 89,3%, còn 10,7% doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm.

Trong đó, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tăng cao nhất với 25,2% trong quý I. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm nhiều nhất với 15,7%.

Nhận định về quý II, có 91,6% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên, 8,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

Bình luận từ kết quả trên, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng sản xuất” giảm nhiều nhất do tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng đơn đặt hàng mới” và “giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm” đều giảm, kết hợp với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm” tăng cao so với quý IV/2023 (tăng 32,7%), việc “khối lượng sản xuất” của ngành này được nhận định giảm sâu trong quý vừa qua có thể tạo áp lực về thiếu hụt nguyên vật liệu đối với ngành xây dựng./.

Cùng chuyên mục
Bốn khuyến nghị của doanh nghiệp chế biến, chế tạo