Brazil: Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Tòa Thẩm kế Brazil (TCU) đang tăng cường một số cơ chế kiểm soát nội bộ và ngăn ngừa sai lệch, bất thường trong các cơ quan, tổ chức công bằng cách phát triển và tích hợp các sáng kiến đổi mới.

TCU đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng ở Brazil. Là cơ quan kiểm soát độc lập, giám sát việc quản lý nguồn lực công, TCU đang đầu tư mạnh vào các công cụ phân tích dữ liệu tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như đẩy mạnh quan hệ đối tác với các tổ chức để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tính hợp pháp trong hành chính công.

kzontxiuxrpghdwd44ycdozp6i.jpg
AI ngày càng được ứng dụng nhiều trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: ST

Hiện nay, Brazil đã triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống tham nhũng (PNPC), hoạt động theo mạng lưới và có phạm vi tiếp cận rộng rãi. Đây là một chương trình nổi bật và là một công cụ chống tham nhũng đầy hứa hẹn. PNPC là nỗ lực hợp tác giữa TCU, các tổ chức tiểu bang và thành phố trên toàn quốc, nhằm khuyến khích các tổ chức công áp dụng các thực tiễn tốt để ngăn ngừa và chống tham nhũng.

Để đạt được mục đích này, PNPC thực hiện các cuộc kiểm toán chung nhằm đánh giá tính hiệu quả của công tác kiểm soát nội bộ trong các cơ quan công. Thông qua các công cụ được cung cấp, các tổ chức tham gia Chương trình có thể xác định rủi ro, những lỗ hổng cũng như nhận được các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.

Để xác định rủi ro của các hoạt động kiểm soát, TCU sử dụng một nền tảng có tên LabContas, được cấu trúc thông qua 80 cơ sở dữ liệu hành chính công, được coi là một danh mục thông tin, công cụ và giải pháp xử lý, phân tích dữ liệu để thực hiện các hoạt động kiểm soát.

Một số cơ chế quan trọng khác bao gồm LabCor - tập trung vào các hoạt động tình báo và chống tham nhũng; Alice - công cụ phân tích đấu thầu, hợp đồng và giá thầu tự động; SAO - hệ thống phân tích ngân sách tự động của các công trình công cộng…

Ngoài ra, Tòa Thẩm kế hiện đang thực hiện một dự án sử dụng AI để tích hợp việc sử dụng dữ liệu và thông tin vào quy trình kiểm toán, cho phép kiểm toán linh hoạt và hiệu quả hơn. Mục tiêu nhằm xây dựng các báo cáo và hướng dẫn bán tự động, cũng như tạo ra dữ liệu mở rộng, tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro lớn nhất.

Cách tiếp cận này nhằm mục đích tăng thêm giá trị cho xã hội và hợp lý hóa các giai đoạn của quy trình kiểm toán, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích dựa trên dữ liệu.

Một ví dụ điển hình khác về việc TCU áp dụng AI trong cuộc chiến chống tham nhũng là việc tạo ra hệ thống “Bản đồ rủi ro trong mua sắm công” (Marina), được thử nghiệm và xác nhận vào năm 2016 thông qua phân tích các vụ mua sắm được thực hiện từ năm 2010 đến 2015, liên quan đến khoản chi tiêu ngân sách 69,5 tỷ USD.

Marina cung cấp cái nhìn toàn diện về các hợp đồng đấu thầu và mua sắm công, cho phép lựa chọn các đối tượng kiểm toán phù hợp, giúp xác định các rủi ro, bất thường dễ dàng hơn. Hệ thống này hỗ trợ TCU ngăn ngừa các trường hợp tham nhũng xảy ra trong các tổ chức công thông qua các cuộc khảo sát rủi ro. Do đó, hệ thống này đang ngày càng được cải tiến và phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.

(Theo TCU)

Theo: TCU
Copy Link
Cùng chuyên mục
Brazil: Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng, chống tham nhũng