
Cần tư duy về một mô hình vận hành thống nhất
Việt Nam đang là “điểm sáng” về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành TTTC quốc tế có khả năng liên kết với các TTTC trong khu vực và thế giới.
Thời gian qua, triển khai Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP về Kế hoạch hành động xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Từ khi xây dựng Đề án về TTTC quốc tế và xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đến nay, đã có hơn 10 hội nghị quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia châu Âu. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về TTTC quốc tế tại Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc trao đổi, khảo sát các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để tham vấn và xây dựng các chính sách cho TTTC quốc tế, trong đó đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTC quốc tế tại Việt Nam. Để xây dựng TTTC quốc tế, một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng là hành lang pháp lý phải đạt 3 yêu cầu: Chuẩn mực quốc tế; thông thoáng, vượt trội, đủ hấp dẫn nhà đầu tư; kiểm soát được các rủi ro.
Góp ý cho vấn đề này, Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings, nguyên Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair - ông Richard McClellan - cho hay, các TTTC quốc tế mới thành công nhất không còn giới hạn tại một địa điểm duy nhất mà phát triển theo mô hình hệ sinh thái đa trung tâm, với các thành phố khác nhau đảm nhận những vai trò chuyên biệt, bổ trợ cho nhau, dựa trên lợi thế so sánh riêng biệt.
Dẫn chứng bài học ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông này cho biết, Dubai dẫn đầu về tài chính toàn cầu, trong khi Abu Dhabi tập trung vào đổi mới quy định chính sách. Ở Trung Quốc, Thượng Hải giữ vai trò trung tâm thị trường vốn, còn Thâm Quyến là đầu tàu về công nghệ tài chính và tài sản số, đảo Hải Nam đóng vai trò là khu vực thử nghiệm chính sách (sandbox) an toàn. Mô hình này không trùng lặp mà giảm thiểu rủi ro, phân bổ hợp lý cơ hội kinh tế và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
Với việc xây dựng TTTC quốc tế tại Đà Nẵng, chuyên gia này cho rằng, địa phương này vốn đã mang sẵn “DNA” của một TTTC trong tương lai nhờ những lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tính liên kết, quy hoạch. TTTC quốc tế tại Đà Nẵng nên đi theo hướng thử nghiệm thể chế chính sách và đổi mới sáng tạo; tài chính xanh và vốn ESG; tài trợ thương mại và hàng hóa hay tài chính cho khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.
“Nếu Việt Nam muốn xây dựng một TTTC quốc tế có vị thế toàn cầu, chúng ta cần tư duy về TTTC không phải như một khu vực địa lý riêng lẻ mà là một hệ thống vận hành thống nhất. Trong mô hình đó, Đà Nẵng không cạnh tranh với TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu xây dựng 2 Trung tâm hoặc 1 TTTC quốc tế nhưng hoạt động tại 2 địa phương để tận dụng tốt các lợi thế của mỗi địa phương và hai bên cũng sẽ luôn bổ trợ, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển” - ông Richard McClellan nhấn mạnh.
Góp ý về mô hình này, Giám đốc điều hành Liên minh các TTTC quốc tế (WAIFC) - ông Jochen Biedermann - cho rằng, bên cạnh hạ tầng vật chất kỹ thuật cứng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng xây dựng hạ tầng phần mềm, hạ tầng số để bảo đảm sự vận hành của TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khi các trung tâm này đi vào hoạt động. Đồng thời, Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực bài bản để sẵn sàng cho sự vận hành trơn tru của TTTC quốc tế, cũng như bảo đảm nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho sự phát triển của các TTTC.
Tổng Giám đốc kiêm sáng lập The Metis Institute - ông Andreas Baumgartner - lưu ý, mô hình này cần có hệ thống quản lý thống nhất nhưng vẫn bảo đảm phát huy được lợi thế riêng biệt, sự độc lập trong hoạt động giữa hai địa điểm của một TTTC quốc tế.

Sẵn sàng các điều kiện cho sự vận hành
Là địa phương triển khai thực hiện chủ trương, kế hoạch về xây dựng TTTC quốc tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, cùng với công tác tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện, các hệ sinh thái, hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng phục vụ cho sự vận hành của TTTC quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cũng nhấn mạnh, Thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách sát với điều kiện thực tế của địa phương, cũng như quyết liệt chỉ đạo, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động của TTTC quốc tế khi Trung tâm chính thức đi vào vận hành.
Nếu tận dụng được thời điểm “vàng” và có TTTC quốc tế, đây sẽ là cú hích mạnh đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, tạo khung pháp lý đột phá, minh bạch.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, định hướng, chủ trương sẽ phát triển 1 TTTC quốc tế tại Việt Nam nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Việc xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý cho phát triển TTTC quốc tế có sự tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp, thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế nhưng không phải là sự sao chép đơn thuần, cơ học, máy móc mà có sự lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với đặc thù và điều kiện của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trên cơ sở đó, hệ thống các nghị định của Chính phủ sẽ được ban hành với các chính sách vượt trội, cởi mở, có nhiều ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ, nhất là những ưu đãi về thuế quan; hạ tầng; xuất nhập cảnh, cư trú, lao động… đối với các nhà đầu tư khi tham gia TTTC quốc tế tại Việt Nam./.