Cà Mau: Cần tạo động lực để doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử

(BKTO) - Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMÐT) tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt được nhiều nhóm mục tiêu chính. Đặc biệt, 90% doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn đã tiến hành giao dịch TMÐT loại hình “DN với DN” B2B.



                
   

Sàn TMÐT tỉnh Cà Mau giới thiệu hơn 300 sản phẩm địa phương. Ảnh: Nguyễn Ly

   

Doanh nghiệp đang tiếp cận thương mại điện tử ở các mức độ khác nhau

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, theo xu hướng chung của cả nước, hoạt động TMÐT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Thống kê sơ bộ cho thấy, 50% DN có quy mô nhỏ và vừa đã biết đến tiện ích của TMÐT và tiến hành giao dịch TMÐT loại hình “DN với người tiêu dùng” B2C, hoặc “DN với DN” B2B. Hầu hết các DN nhỏ và vừa đã biết tới và đánh giá cao những lợi ích mà TMÐT mang lại, từ đó tạo động lực tích cực để các DN triển khai ứng dụng TMÐT ở các mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, sàn TMÐT tỉnh Cà Mau - madeincamau.com đi vào hoạt động đã thu hút được 60 tài khoản kênh người bán với 316 sản phẩm được trưng bày. Các sàn giao dịch TMÐT của các DN bưu chính có chi nhánh trên địa bàn tỉnh như voso.vn (Viettel) hay postmart.vn (Bưu điện) cũng có 132 gian hàng với 450 sản phẩm được giới thiệu trưng bày.

Ðể đảm bảo nguồn lực phát triển TMÐT bền vững và hiệu quả, hàng năm, Sở Công Thương Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về TMÐT cho nhiều đối tượng là DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh với hàng trăm lượt người tham dự.

Ngoài ra, Sở Công Thương Cà Mau cũng triển khai có nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các công nghệ số, TMÐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể như: ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm), phần mềm Hạch toán chi phí sản xuất - Kế toán (WACA)…

Cần cơ chế hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực

Bên cạnh những kết quả khả quan, các DN trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận TMÐT, phần lớn DN còn chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng. Hơn nữa, các DN cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới về TMÐT của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hiện nay, các sàn giao dịch TMÐT tỉnh Cà Mau chủ yếu là sân chơi của DN quy mô lớn, các DN vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh chưa mạnh dạn tham gia giao dịch trên sàn. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ kinh doanh và hiểu biết về công nghệ. Thêm vào đó, sản phẩm hàng hoá chưa đa dạng, mẫu mã chưa bắt mắt khách hàng, khối lượng giao dịch thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa đồng đều....

Không chỉ vậy, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh tiềm ẩn nhiều hệ lụy, rui ro, các hành vi gian lận thương mại, hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường điện tử. Đây là vấn nạn chung của thị trường, rất khó quản lý và đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho cả DN và cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, để TMÐT thật sự hiệu quả, cũng như hoàn thành mục tiêu phát triển TMÐT tỉnh Cà Mau tầm nhìn đến năm 2025, việc quan trọng là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến về TMÐT nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân, DN.

Thực hiện tốt công tác truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMÐT. Từng bước làm cho sàn TMÐT trở thành kênh mua bán sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh. Đồng thời, phối hợp Hiệp hội TMÐT Việt Nam, Cục TMÐT và kinh tế số, các đơn vị, DN tư vấn có kinh nghiệm, năng lực về TMÐT để hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ, công chức, DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển TMÐT.

Về phía quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống pháp luật được định hướng theo chuẩn mực chung là hỗ trợ cho giao dịch TMÐT, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập của Việt Nam. Trong đó, cần tập trung vào hoàn thiện các loại văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, ngành nghề kinh doanh TMÐT, ưu đãi thuế cho giao dịch TMÐT, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMÐT.

Ðể tạo môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển TMÐT, cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư bảo đảm an toàn an ninh cho các ứng dụng TMÐT và cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp mình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc xây dựng và thực thi các quy chế liên quan tới việc sử dụng hệ thống thông tin của cơ quan, đầu tư mua sắm thiết bị và phần mềm bảo mật phù hợp, hướng dẫn người sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tuân thủ các quy tắc an toàn an ninh thông tin.

Chính quyền tỉnh Cà Mau cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMÐT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh. Ðẩy mạnh ứng dụng TMÐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hoá nội địa và thúc đẩy phát triển TMÐT tại các địa phương.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Cà Mau: Cần tạo động lực để doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử