Cà Mau: Chậm giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Cà Mau, tổng kế hoạch vốn 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2024 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang) đến giữa tháng 5/2024 mới chỉ đạt khoảng 72 tỷ đồng, bằng 7,7% kế hoạch.

img_0452.jpg
Cũng như nhiều địa phương khác, Cà Mau gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Ảnh: N.Lộc

3 Chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM); phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, Chương trình MTQG xây dựng NTM giải ngân được hơn 69 tỷ đồng/748,23 tỷ đồng, bằng 9,2%. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giải ngân gần 1,4 tỷ đồng/119,631 tỷ đồng, bằng 1,13%. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân 1,5 tỷ đồng/69,579 tỷ đồng, bằng 2,2% kế hoạch. Kết quả giải ngân này thấp hơn mức trung bình của cả nước. 

Ông Trần Công Khanh - Phó Giám đốc Sở KHĐT - cho biết, đối với Chương trình MTQG về xây dựng NTM, thực hiện Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trong việc vận động người dân đóng góp và huy động phần còn lại 35% là khó khăn, không thực hiện được.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, việc đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo đang gặp khó khăn. Việc đấu thầu các hạng mục trong dự án có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện quy trình đấu thầu mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện dự án…

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, dự án 1 (Hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt), mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ để mua đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho hộ nghèo là khó thực hiện được, vì thực tế giá đất chuyển nhượng cao, hộ nghèo không có khả năng góp tiền vào để mua. Hỗ trợ chuyển đổi nghề 10 triệu đồng/hộ, nước sinh hoạt 3 triệu đồng/hộ là thấp, khó thực hiện.

Từ thực tiễn triển khai, nhiều địa phương trong tỉnh đã gửi đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong triển khai chương trình hiện nay. Cụ thể, về tiêu chí xã nông thôn mới yêu cầu có trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng nằm ngoài khuôn viên của UBND xã, nếu di dời rất khó, mỗi trung tâm 5-7 tỷ đồng, cần được hướng dẫn để địa phương thực hiện.

Về thí điểm phân cấp huyện quản lý các chương trình MTQG, đây là nội dung lớn, cần hướng dẫn cụ thể để huyện thực hiện. Kiến nghị mở rộng thêm đối tượng đào tạo nghề. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt; sớm ban hành quy định “người có thu nhập thấp” và mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng vào một lớp đào tạo nghề để công tác đào tạo nghề đảm bảo tiến độ theo quy định.

Những bất cập trong triển khai thực hiện chương trình MTQG tại Cà Mau cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương trên cả nước được Kiểm toán nhà nước chỉ ra qua thực tiễn kiểm toán đối với 3 chương trình MTQG tại các địa phương năm 2023. 

Theo KTNN, kết quả đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm cho thấy hầu hết còn chưa đạt, việc giải ngân còn thấp so với kế hoạch. 

Qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách, cũng như hướng dẫn thực hiện dẫn đến nhiều địa phương, cơ quan lúng túng trong triển khai chương trình.

Đơn cử, đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Có ít nhất 01 mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể” tuy nhiên Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí.

Trên cơ sở các bất cập được chỉ ra, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình để kịp thời xem xét sửa đổi, điều chỉnh những vướng mắc; các cơ quan, địa phương chấn chỉnh đối với công tác quản lý, sử dụng vốn cho các chương trình, từ đó phát huy hiệu quả của các chính sách./.

Cùng chuyên mục
Cà Mau: Chậm giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia