Qua rà soát, Sở KH&ĐT Cà Mau chỉ rõ, trong số 20 chủ đầu tư được giao vốn năm 2024, có 5 chủ đầu tư giải ngân vượt tiến độ, 6 chủ đầu tư giải ngân không đạt tiến độ (nhưng trên mức bình quân của tỉnh), còn 8 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh và có 1 chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào.
Cụ thể, 8 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh gồm: Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Trần Văn Thời, Sở NN&PTNT, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, UBND huyện Đầm Dơi, Ban Quản lý các dự án ODA, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng. Đơn vị duy nhất chưa giải ngân được là Văn phòng Tỉnh ủy với dự án ứng dụng công nghệ thông tin (dự án đặc thù), chỉ khi hoàn thành toàn bộ mới thanh toán và giải ngân.
Ngoài ra, theo Sở KH&ĐT Cà Mau, kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết lớn (khoảng 913 tỷ đồng). Trong đó, địa phương đưa vào dự phòng dự kiến bố trí thực hiện dự án giải phóng mặt bằng thực hiện mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau khoảng 812 tỷ đồng; dự kiến bố trí hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Khánh An là 55,4 tỷ đồng khi đủ điều kiện.
Từ thực tế trên, Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh Cà Mau xem xét phê bình 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh; nhắc nhở 2 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh nhưng dưới 70%; biểu dương 9 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân tốt trên 70% trong thời điểm cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang giải ngân chưa tốt.
Đối với việc giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau (Văn phòng) vừa có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị trên toàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được bố trí năm 2024 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 là 734,204 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 694,846 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 39,358 tỷ đồng. Theo báo cáo của các đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí nêu trên, đến thời điểm hiện tại vốn đầu tư phát triển giải ngân được 201,707 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch; vốn sự nghiệp 4,724 tỷ đồng, bằng 12% kế hoạch.
Trước thực trạng trên, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao hoặc nhận ủy thác làm đại diện chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trường hợp các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm đề nghị các đơn vị rà soát đề xuất về Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh để kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, điều chuyển vốn để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.