Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP |
Giảm 1.050 dự án, tăng 120.000 tỷ đồng tổng mức vốn so với dự kiến
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua rà soát những ngày qua, từ 6.447 dự án dự kiến trước đó, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cắt giảm còn khoảng 5.397 dự án. Ngay sau cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát và số dự án có thể giảm còn khoảng 5.000 dự án.
Đáng chú ý, tổng mức vốn ngân sách thuộc dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với dự kiến trước đó. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, số tăng thêm này là từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với giai đoạn 2016-2020, cơ cấu ngân sách dự kiến phân bổ cho các vùng giai đoạn 2021-2025 có sự thay đổi rõ nét, không chỉ ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ mà còn bảo đảm phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng. Trong đó, mức vốn bố trí bình quân đầu người vùng Tây Nguyên là cao nhất, khoảng 5,839 triệu đồng/người.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách mới, đột phá nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Phân cấp tối đa, tiếp tục tính toán cơ cấu ngân sách phân bổ cho các vùng
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm “chạy” dự án.
Nhắc tới tình trạng một số tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP nhỏ, ngân sách có hạn nhưng dự kiến tới hàng trăm dự án trong 5 năm tới, Thủ tướng yêu cầu: Với tổng ngân sách được phân bổ, các địa phương, cơ quan, Bộ ngành phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, đồng thời điều chỉnh lại các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược và các dự án, công trình đầu tư phục vụ an sinh xã hội.
Những ngày qua, Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương về đầu tư công. Khi lãnh đạo một tỉnh miền núi phía Bắc đề xuất ý tưởng đào hầm qua núi để rút ngắn thời gian di chuyển lên trung tâm tỉnh, Thủ tướng hỏi lại thì được biết chỉ rút ngắn 10 phút nhưng kinh phí đầu tư dự kiến tới 2.500 tỷ đồng. Trong khi một huyện khác của tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, chỉ cần đầu tư khoảng vài trăm tỷ đồng để mở rộng đường kết nối là có thể khai phá, phát triển được cả huyện này.
“Rút ngắn 10 phút đi bộ cũng cần, nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Tổng mức vốn được phân bổ không thay đổi nhưng các địa phương, cơ quan phải thay đổi tư duy về trọng tâm, trọng điểm” - Thủ tướng gợi mở.
Thủ tướng yêu cầu phân cấp tối đa về đầu tư công; các cơ quan quản lý tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, cơ quan lập các đoàn kiểm tra, giám sát; các Bộ, cơ quan, địa phương nào không thực hiện đúng chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 3 đột phá chiến lược thì kiên quyết dừng dự án, nếu có vi phạm thì xử lý, kỷ luật.
Phân tích thêm về quan điểm huy động tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, Thủ tướng nêu định hướng trình cấp có thẩm quyền cho phép NSNN bảo đảm tỷ lệ 50% tổng vốn cho các dự án cao tốc PPP trong cả giai đoạn 2021-2025, phần còn lại thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Tỷ lệ cụ thể được điều chỉnh rất linh hoạt, phù hợp với từng dự án, những dự án khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư thì tỷ lệ tham gia của ngân sách sẽ cao hơn và ngược lại. “Thu hút được 1%, 1 đồng vốn ngoài ngân sách cũng quý” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tính toán cơ cấu ngân sách phân bổ cho các vùng so với quy mô dân số, GRDP và phần đóng góp của mỗi vùng cho cả nước. Đồng thời, tiếp tục làm rõ một số nội dung khác trong báo cáo như: huy động cả nguồn vốn trong và ngoài nước; tỉ lệ dự phòng ngân sách Trung ương; các vướng mắc về cơ chế, chính sách…/.