Các hợp tác xã giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp

(BKTO) - Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 415 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp ước đạt hơn 1,3 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận ước đạt 290 triệu đồng/HTX/năm.

2(2).jpg
Hợp tác xã 3T Farm (huyện Cao Phong) hiện là mô hình tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số, mở đường cho xu hướng trồng cam theo hướng hữu cơ. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê, số lượng HTX nông nghiệp xếp loại khá, tốt theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 156 HTX, chiếm 55,32%.

Tổng số thành viên trong các HTX nông nghiệp khoảng 5.549 thành viên (tăng 214 thành viên so với cùng kỳ năm trước). Tổng số lao động làm việc thường xuyên khoảng 6.225 lao động. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp ước đạt 55,2 triệu đồng/người/năm.

Tổng số tổ hợp tác (THT) ước đạt 230 THT; số THT có đăng ký hợp đồng hợp tác với UBND cấp xã là 230 THT. Tổng số thành viên THT khoảng 4.255 thành viên, lao động thường xuyên đều là thành viên THT. Tổng doanh thu ước đạt 35.765 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động trong THT khoảng 2,8 triệu đồng/tháng.

Phân loại các loại hình hoạt động của THT đang hoạt động, 60 THT trồng trọt (chiếm 26,32%), 65 THT chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (chiếm 28,51%), 47 THT dùng nước (chiếm 20,61%), 56 THT tổng hợp (chiếm 24,56%).

Các HTX nông nghiệp phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề như: chăn nuôi, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường, chế biến nông sản.

Một số HTX đã tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa có giá trị cao như: nuôi gà, nuôi dê, nuôi cá lồng, trồng rau an toàn, trồng dược liệu… Đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp, hình thành một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người; đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo ở khu vực nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có một số HTX hoạt động liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: HTX chuối Viba - xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Viba (Vietnam banana) với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ; HTX 3T nông sản Cao Phong - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong được chứng nhận OCOP 4 sao với sản phẩm "Cam quà tặng cao cấp 3T farm”; HTX Dược liệu Bigfarm - xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc có nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm từ dược liệu...

Có thể thấy, kinh tế tập thể trong đó các HTX, THT có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Với nhiều chính sách hỗ trợ, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng chuyên mục
Các hợp tác xã giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp