Hòa Bình: Cần thêm những động lực mạnh mẽ để tăng tốc, bứt phá

(BKTO) - Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm của Hòa Bình ước tăng 3,2% so với cùng kỳ, trong đó có mức tăng đáng ghi nhận của một số ngành, lĩnh vực như: khai khoáng tăng 17,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,3%.

1(1).jpg
Hòa Bình nỗ lực đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: hoabinh.gov.vn

6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Hòa Bình chuyển biến tích cực với những kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP 1,81%, trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,21%; dịch vụ tăng 6,48%; thuế sản phẩm tăng 4,73%; riêng ngành công nghiệp - xây dựng giảm 0,34%.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP tiếp tục chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng 40,17%; dịch vụ 35,45%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,06%; thuế sản phẩm 4,79%.

Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và xây dựng nông thôn mới, kết quả sản xuất công nghiệp được đánh giá là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 3,2% so với cùng kỳ, trong đó có mức tăng đáng ghi nhận của một số ngành, lĩnh vực như: khai khoáng tăng 17,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đạt 36.150 tỷ đồng, tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua của nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng khá ấn tượng với mức 26,48%; kim ngạch nhập khẩu tăng 17,61%.

Du lịch cũng là một điểm sáng khi có khoảng 2,6 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh trong 6 tháng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 29,8%, đạt 58,5% kế hoạch năm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm đối với công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), trong 6 tháng, thu NSNN trên địa bàn đạt trên 3.366 tỷ đồng, bằng 83% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 58% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 78% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 9% trong khi tốc độ tăng trưởng 6 tháng là 1,81% thì trong quý III, tỉnh cần tăng trưởng khoảng 17,78%, quý IV khoảng 12%. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn; nhiều dự án đầu tư chưa đi vào hoạt động; sức sản xuất của doanh nghiệp còn yếu; ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp - xây dựng (chiếm tỷ trọng 40,17% cơ cấu nền kinh tế) chưa phục hồi, thậm chí 6 tháng đầu năm còn tăng trưởng âm (giảm 0,34%)…

Đây là những thách thức rất lớn, cùng với những khó khăn trong nội tại nền kinh tế đòi hỏi cần thêm những động lực mạnh mẽ để có thể tăng tốc, bứt phá trong các tháng còn lại của năm. Theo đó, đầu tư công là một trong những trụ cột bảo đảm tăng trưởng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và các điều kiện nâng cao đời sống cho người lao động.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, trong nửa cuối năm 2024, toàn tỉnh thực hiện quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp thêm động lực cho phát triển kinh tế. Cụ thể: đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng thu NSNN; tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; xúc tiến thương mại - dịch vụ và phát triển thị trường...

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thống nhất ý chí và hành động để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện đạt mức cao nhất Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 6/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Theo Sở Công Thương Hòa Bình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7/2024 ước đạt 6.248 tỷ đồng, tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 17,49% so với cùng kỳ, lũy kế 7 tháng ước đạt 42.394 tỷ đồng, thực hiện 57,02% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 ước tăng 0,16% so với tháng trước, chỉ số bình quân cùng kỳ đạt 2,25%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 167,718 triệu USD, tăng 1,22% so với tháng trước, lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 1.137,325 triệu USD, tăng 24,17% so với cùng kỳ, thực hiện 56,87% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 114,742 triệu USD, tăng 0,02% so với tháng trước, lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 801,259 triệu USD, tăng 16,94 % so với cùng kỳ, thực hiện 58,23% kế hoạch năm.

Dự kiến một số sản phẩm chủ yếu tháng 7/2024 có sản lượng tăng so với tháng trước như: Bia, đồ uống các loại ước tăng 2,5%; Sản phẩm may mặc ước tăng 1,6%; sản phẩm điện tử ước tăng 1,2%. Ước tính sản lượng điện sản xuất tháng 7/2024 là 1.309,6 triệu Kwh (so với tháng trước tăng 100,12%), điện thương phẩm ước tính là 134 triệu Kwh (so với tháng trước tăng 100,8%).

Cùng chuyên mục
Hòa Bình: Cần thêm những động lực mạnh mẽ để tăng tốc, bứt phá