Các ngân hàng ưu tiên tín dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp (DN), nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là nhu cầu vốn để kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.

agribank.jpg
Agribank là một trong những ngân hàng ưu tiên tín dụng cho khu vực ĐBSCL. Ảnh: Internet

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - cho biết: Agribank luôn quan tâm và xác định ĐBSCL là một trong những khu vực chủ đạo để đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Năm 2022, Agribank đã ưu tiên giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho khu vực này là 11,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống.

Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực ĐBSCL hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 180.000 tỷ đồng với 670.000 khách hàng, chiếm 83% dư nợ cho vay của khu vực.

Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại ĐBSCL chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tới 40%.

Cụ thể, Agribank đầu tư cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng nông, thủy sản là 86.000 tỷ đồng, trong đó, nuôi thủy sản là 22.000 tỷ đồng, trồng trọt nông nghiệp là 64.000 tỷ đồng. Cho vay thu mua, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản là 21.000 tỷ đồng, trong đó, thu mua, chế biến, tiêu thụ mặt hàng thủy sản là hơn 1.000 tỷ đồng. Cho vay thu mua, chế biến, tiêu thụ mặt hàng nông sản là 20.000 tỷ đồng; xuất khẩu nông, thủy sản đạt 2.400 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu thủy sản gần 2.000 tỷ đồng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản là 400 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu giải ngân đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các nhu cầu cấp thiết của các chi nhánh Agribank khu vực ĐBSCL là 1.600 tỷ đồng. Agribank đã thực hiện cân đối chỉ tiêu tín dụng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Agribank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất và chương trình giảm lãi suất cho khách hàng trong toàn hệ thống.

Giai đoạn 2021-2022, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi, 2 chương trình giảm trực tiếp lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Trong năm 2021, Agribank đã dành hơn 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi và phí cho khách hàng, trong đó, riêng khu vực ĐBSCL được giảm hơn 900 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) - chia sẻ: Từ nay đến Tết Nguyên đán, Vietinbank cam kết dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.

Vietinbank tiếp tục đồng hành với khách hàng trong quá trình phát triển, chia sẻ khó khăn, hợp tác trên cơ sở đưa ra các giải pháp, tư vấn tài chính; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, cung ứng các giải pháp tài chính mới an toàn, thuận tiện; tăng cường công tác dự báo về thị trường để tư vấn, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Vietcombank có 16 Chi nhánh hoạt động tại khu vực ĐBSCL với mức tăng trưởng dư nợ trên 14%. Kết quả này thể hiện cam kết của Vietcombank trong việc cung ứng đủ vốn tín dụng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn ĐSBCL cũng như trên cả nước.

Bám sát chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2022, Vietcombank luôn tập trung tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong đó ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính Phủ.

Dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Vietcombank đạt gần 160.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL chiếm khoảng 1/4 dư nợ Vietcombank, tăng trưởng 17% so với thời điểm 31/12/2021. Dư nợ tập trung vào thu mua tiêu thụ, chế biến bảo quản nông sản, thủy sản (65%), sản xuất nông sản, thủy sản (24%).

Tính đến ngày 30/11/2022, Vietcombank đã hỗ trợ cho các khách hàng tại ĐBSCL với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chi nhánh Hậu Giang thông tin: Đến nay, dư nợ nông nghiệp là 43%, cao hơn hệ thống 3%. Tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đứng thứ 2 trên địa bàn ĐBSCL, tập trung cho vay trồng lúa, trồng cây ăn quả, thu mua, chế biến xuất khẩu, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi…

LienVietPostBank thường xuyên có các chính sách hỗ trợ, lãi suất cho vay hiện giảm 0,5-1% so với các lĩnh vực khác./.

Cùng chuyên mục
Các ngân hàng ưu tiên tín dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?