Kỳ 1: Các thách thức đặt ra đối với SAI và sáng kiến Bali
Để đáp ứng sự mong đợi của công chúng, thách thức và yêu cầu đặt ra đối với các SAI là không nhỏ. Theo đó, mỗi SAI đều có các cách thức áp dụng và thực hành chiến lược khác nhau nhưng đều hướng đến giải quyết những thách thức và nâng cao năng lực hoạt động.
2 chuẩn mực mang tính nguyên tắc đối với SAI
INTOSAI P-12 (Giá trị và lợi ích của SAI - tạo sự khác biệt cho đời sống của người dân) và INTOSAI P-20 (Các nguyên tắc về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình) là hai chuẩn mực cấp độ 2 mang tính nguyên tắc dành cho cấp độ SAI, trong đó nhấn mạnh trực tiếp đến tầm quan trọng về sự tham gia của các bên liên quan, đó là:
INTOSAI P-12 có Nguyên tắc 4 (báo cáo kết quả kiểm toán nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình trước công chúng về việc thực hiện giám sát hoạt động của chính phủ và các cơ quan công lập), Nguyên tắc 5 (phản hồi về sự thay đổi môi trường và các tình huống rủi ro khẩn cấp), Nguyên tắc 6 (Phối hợp hiệu quả với các bên liên quan), Nguyên tắc 8 (Đảm bảo tính minh bạch hợp lý và trách nhiệm giải trình của SAI) và Nguyên tắc 12 (Nâng cao năng lực thông qua học hỏi và chia sẻ kiến thức).
INTOSAI P-20 có Nguyên tắc 3 (Áp dụng các chuẩn mực, quy trình và phương pháp kiểm toán nhằm đảm bảo mục tiêu và minh bạch), Nguyên tắc 7 (Báo cáo công khai về kết quả kiểm toán và kết luận tổng quan về các hoạt động của chính phủ), Nguyên tắc 8 (Công bố/giới thiệu kịp thời, đầy đủ về các hoạt động của mình và kết quả kiểm toán thông qua các kênh thông tin), Nguyên tắc 9 (Sử dụng các ý kiến độc lập và bên ngoài để nâng cao chất lượng và mức độ tin cậy của công việc).
Thách thức đặt ra và giải pháp phù hợp đối với SAI
Tại Hội thảo “Làm thế nào để đáp ứng mong đợi của công chúng về SAI” do Ủy ban Phát triển năng lực của ASOSAI (CDA) tổ chức tại Bali, Indonesia tháng 12/2023 vừa qua, đại diện 24 SAI khu vực châu Á đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các thách thức đặt ra và một số giải pháp phù hợp đã và sẽ được áp dụng:
Thứ nhất, 4 thách thức đặt ra với các SAI trong việc đáp ứng mong đợi của công chúng, đó là: Cân bằng giữa các mong đợi khác nhau của các bên liên quan; nguồn lực có giới hạn; duy trì tính độc lập và khách quan; thích nghi với sự thay đổi của môi trường và chuẩn mực kiểm toán.
Thứ hai, để đối mặt với các thách thức trên, các SAI cho rằng, các giải pháp phù hợp giúp tăng cường năng lực của SAI như: Đào tạo và bồi dưỡng để thích nghi với sự thay đổi môi trường kiểm toán: Các SAI tiếp tục thay đổi cách thức và phương pháp thực hành kiểm toán để đáp ứng với sự thay đổi môi trường kiểm toán, như: Ứng dụng công nghệ mới; điều chỉnh, cập nhật với những yêu cầu quy định mới.
Sửa đổi chuẩn mực và phương pháp kiểm toán: Việc cập nhật các chuẩn mực và phương pháp kiểm toán giúp SAI theo kịp các thông lệ thực hành tốt của cộng đồng quốc tế; dẫn đến yêu cầu rà soát các thủ tục, quy trình và hướng dẫn kiểm toán hiện hành.
Tích hợp công nghệ và thực hành sáng tạo: Việc thực hành đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong quy trình kiểm toán như: Phân tích dữ liệu, công cụ số và các kỹ thuật tiên tiến khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, đồng thời đáp ứng những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới.
Tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế: Các kiểm toán viên và SAI tiếp tục không ngừng học hỏi, chia sẻ, phát triển các kỹ năng và phương pháp kiểm toán nhằm thể hiện sự cam kết đáp ứng những mong đợi của các bên liên quan.
Thứ ba, các công cụ và chiến lược đo lường hiệu quả hoạt động của SAI nhằm đáp ứng mong đợi của công chúng đã được một số SAI sử dụng như:
Các số liệu và chỉ số cụ thể: Tỷ lệ báo cáo kiểm toán được đưa ra thảo luận tại cuộc họp với Ủy ban Tài khoản công (PAC), tỷ lệ kiến nghị kiểm toán được thực hiện, mức độ công khai thường xuyên về tác động của cuộc kiểm toán trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Đánh giá hoạt động thường niên: Trong đó bao gồm đánh giá về thực trạng hoạt động của các đơn vị được kiểm toán trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán năm trước, tác động từ các kết quả kiểm toán năm trước.
Sử dụng công cụ Khung đánh giá hoạt động của SAI (SAI PMF) - khuôn khổ đánh giá uy tín do INTOSAI xây dựng - nhằm giúp các SAI đưa ra báo cáo đánh giá khách quan, trung thực và toàn diện về hoạt động của mình trên cơ sở các tiêu chí, điểm số cụ thể và dựa trên bằng chứng đầy đủ, thích hợp.
Thứ tư, một số sáng kiến hiệu quả trong việc đáp ứng mong đợi của công chúng mà các SAI đã thực hành và chia sẻ: Thực hiện các cuộc kiểm toán có sự tham gia của công chúng (SAI Philippines giới thiệu về “Cuộc kiểm toán có sự tham gia của công chúng” trong đó đề cao vai trò của công chúng tại một số bước cụ thể trong quy trình thực hiện kiểm toán nhằm hướng tới sự minh bạch và trách nhiệm giải trình); thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề tập trung vào những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm (SAI Việt Nam thực hiện cuộc kiểm toán Covid-19 nhằm đánh giá việc quản lý nguồn lực và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan); đáp ứng phản hồi của các bên liên quan đối với quy trình kiểm toán; ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật xác định gian lận; cuộc kiểm toán theo thời gian thực (SAI Trung Quốc tiến hành kiểm toán trong thời gian diễn ra Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh đảm bảo tính giám sát và minh bạch ngay tức thì); hợp tác với các tổ chức quốc tế và tổ chức dân sự xã hội…
4 nền tảng của sáng kiến Bali
Từ các thách thức nêu trên, sáng kiến Bali đã ra đời từ những cuộc thảo luận về các cách thức tiếp cận mang tính chiến lược, hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động của SAI nhằm đạt được sự mong đợi ngày càng tăng của công chúng.
Bốn nền tảng của Sáng kiến Bali: Tạo dựng sự cam kết tham gia ngày càng mạnh mẽ của các bên liên quan; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận; tận dụng phản hồi từ các bên liên quan để học hỏi và thích ứng; đổi mới và học hỏi từ các thông lệ thực hành tốt./.