Các địa phương chưa chú trọng bố trí vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

(BKTO) - Tổng số vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 được duyệt là 15.866 tỷ đồng, gồm: 15.470 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 396 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 15.223 tỷ đồng; đã bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng và giải ngân là 12.365 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp dự kiến bố trí là 357 tỷ đồng, số đã giao là 231 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương đã giải ngân là 1.658 tỷ đồng.

4.jpg
Nhiều dự án các chủ đầu tư, các địa phương bố trí, giải ngân vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn khác còn thấp so với tỷ lệ vốn ngân sách trung ương đã bố trí. Ảnh minh họa

Chương trình thiết thực, ý nghĩa

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã chủ trì triển khai Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 theo nhiệm vụ được giao là chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã chủ trì thẩm định, cân đối và bố trí vốn đầu tư phát triển của Chương trình (trong vai trò chủ Hợp phần Tăng trưởng xanh). Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, các đơn vị được bố trí vốn thực hiện Chương trình đã có nhiều cố gắng để thực hiện các mục tiêu, nội dung đề ra. Các dự án, nhiệm vụ đã hoàn thành góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và tài sản.

KTNN cũng ghi nhận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt thiết kế - dự toán, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng, quản lý chi phí, quản lý tiến độ, quản lý chất lượng cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt, trong thực hiện không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính đến hết năm 2020, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần hoàn thành một số mục tiêu của dự án.

Tuy nhiên, theo số liệu tại 29 dự án kiểm toán chi tiết, giá trị nghiệm thu theo số báo cáo là 2.182 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 2.182 tỷ đồng, số kiểm toán là 2.176 tỷ đồng, chênh lệch 6 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng còn lại theo số báo cáo là 3.338 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 3.311 tỷ đồng, số kiểm toán là 3.245 tỷ đồng, chênh lệch 66 tỷ đồng. Về giá trị dự toán được duyệt, theo số báo cáo là 635 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 635 tỷ đồng, số kiểm toán là 623 tỷ đồng, chênh lệch 12 tỷ đồng.

Chỉ ra nguyên nhân chưa giao hết số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương theo Chương trình được duyệt, KTNN nêu rõ, do một số dự án không còn nhu cầu vốn, hoặc chưa đầy đủ thủ tục đầu tư… Đơn cử, vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 15.223 tỷ đồng, đạt 98,4% (số chưa giao gồm vốn ODA 56,2 tỷ đồng và vốn trong nước 190,9 tỷ đồng); lũy kế bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng, đạt 97% so với số dự kiến thực hiện Chương trình và 99,3% so với số vốn đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. KTNN xác định, chênh lệch số giao trung hạn và lũy kế số giao hằng năm đối với vốn ODA là 62,4 tỷ đồng, trong đó số chưa giao là 89,9 tỷ đồng, số giao vượt tại Bộ TNMT là 27,5 tỷ đồng. Nguyên nhân do chưa giao 68,25 tỷ đồng của Công trình hồ chứa nước Paket (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) do phê duyệt lại chủ trương đầu tư; không thực hiện được hạng mục trồng rừng của các Dự án: Bảo vệ và phát triển rừng ven biển tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015-2020 (13,733 tỷ đồng); Gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (1,57 tỷ đồng); Gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang (5,32 tỷ đồng).

Có 5 dự án đã bố trí vốn cao hơn so với tổng mức đầu tư điều chỉnh sau khi giao vốn là 71,83 tỷ đồng; 27 dự án với số vốn 314,64 tỷ đồng đã bố trí nhưng chưa giải ngân hết và quá thời gian giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công. Có 8 dự án đã được bố trí vốn 225,26 tỷ đồng năm 2019 mà chưa giải ngân hết và quá thời gian giải ngân theo quy định nhưng các địa phương đã có văn bản đề xuất kéo dài tiếp tục giải ngân trong năm 2021.

Các địa phương bố trí và quản lý vốn chưa hiệu quả

Về tình hình giải ngân vốn nguồn ngân sách trung ương, tính đến hết năm 2020 đạt 12.364,76 tỷ đồng, bằng 81,8% số vốn đã bố trí, trong đó, vốn ODA đạt 12.137,57 tỷ đồng và vốn trong nước đạt 227,19 tỷ đồng. Kiểm toán chỉ ra nguyên nhân chưa giải ngân hết vốn kế hoạch là do một số dự án đã quá thời gian giải ngân, không còn nhiệm vụ và do số vốn được giao năm 2020 vẫn được phép giải ngân trong năm 2021. Theo phát hiện của KTNN, Bộ KHĐT chưa rà soát và tổng hợp đối với các dự án được bố trí vốn nhưng quá thời gian giải ngân hoặc vượt so với tổng mức đầu tư điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định.

Đối với 357 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, số đã phân bổ là 230,73 tỷ đồng, chiếm 64,7% trên số dự kiến. Số không phân bổ là 126,27 tỷ đồng do một số nhiệm vụ không thực hiện được vì chậm triển khai, một số nhiệm vụ được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp khác và một số nhiệm vụ kinh phí thực hiện thấp hơn dự toán. Chẳng hạn, số vốn dự kiến bố trí thực hiện Hợp phần Biến đổi khí hậu (Dự án thành phần số 1) là 270 tỷ đồng, số đã phân bổ là 178,72 tỷ đồng, số chưa được phân bổ là 91,28 tỷ đồng. Số đã triển khai thực hiện đến kết thúc năm 2020 theo báo cáo là 135,56 tỷ đồng, bằng 75,9%. Hay với Hợp phần Tăng trưởng xanh (Dự án thành phần số 3), số vốn dự kiến bố trí là 87 tỷ đồng, số đã phân bổ là 52,01 tỷ đồng, số vốn chưa được phân bổ là 34,99 tỷ đồng.

Còn với nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn khác, nhiều dự án các chủ đầu tư và các địa phương bố trí và giải ngân vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn khác tính đến hết năm 2020 còn thấp so với tỷ lệ số vốn ngân sách trung ương đã bố trí. Cụ thể, có 11 dự án vốn ngân sách địa phương và vốn khác được phê duyệt đầu tư 459,49 tỷ đồng nhưng chưa được bố trí, tuy nhiên, vốn ngân sách trung ương đã bố trí 1.777,86 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,5%; có 6 dự án vốn ngân sách địa phương và vốn khác được phê duyệt đầu tư 1.297,04 tỷ đồng nhưng mới bố trí được 70,04 tỷ đồng, đạt 5,4%, trong khi vốn ngân sách trung ương đã bố trí 911,2 tỷ đồng, đạt 100%. Việc các địa phương chưa chú trọng bố trí vốn đối ứng đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các dự án./.

Cùng chuyên mục
Các địa phương chưa chú trọng bố trí vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh