Các vướng mắc về quy hoạch cơ bản đã được giải quyết

(BKTO) - Sau khi có Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội, những vướng mắc của công tác quy hoạch cơ bản đã được giải quyết và hiện nay, tiến độ quy hoạch đang được đẩy nhanh hơn - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin tại phiên chất vấn sáng 06/11.

061120231006-bo-truong-nguyen-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay, kết quả thực hiện được rất thấp, ngoài hai quy hoạch lớn là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch đất đai thì Quy hoạch vùng mới được 16/31 quy hoạch ngành và 13/63 quy hoạch tỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án đầu tư công.

“Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của những chậm trễ và những giải pháp cho vấn đề này như thế nào?” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian đầu, công tác lập quy hoạch có rất nhiều vướng mắc. Nhưng sau khi có Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các vướng mắc cơ bản đã được giải quyết, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn.

Lý giải về lý do chậm lập quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng, do lần đầu tiên chúng ta thực hiện Luật Quy hoạch, lần đầu tiên thay đổi tư duy và phương pháp lập, nội dung lập và nhận thức chung về vấn đề tích hợp, lập đồng thời. Các khái niệm mới cũng cần phải có các văn bản hướng dẫn, nghị định hướng dẫn luật cũng như các nghị quyết của Quốc hội cho phép được lập đồng thời, giải quyết các vướng mắc thì chúng ta mới có cơ sở, lúc đấy mới bắt đầu tiến hành.

“Hiện nay, trong tổng số 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, đã có 106 quy hoạch đã hoàn thành việc thẩm định, trình thẩm định hoặc phê duyệt xong. Đây là một nỗ lực rất lớn của tất cả các ngành, các cấp, kể cả các Bộ và các địa phương cũng như là các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng thẩm định, các cơ quan liên quan trong thực hiện tiến độ” - Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, hiện nay còn 2 vấn đề, đó là tồn đọng các quy hoạch đã thẩm định xong nhưng cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện dựa trên rà soát quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia… rồi trình HĐND tỉnh xem xét.

Công tác này rất mất thời gian nhưng nếu không làm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.

Vấn đề lớn là hiện nay còn hai quy hoạch rất khó cần hoàn thành lập và thẩm định, là quy hoạch của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là hai cực tăng trưởng, có vai trò trung tâm, dẫn dắt nền kinh tế và đóng góp rất lớn trong phát triển đất nước.

Vì vậy, trước khi Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh xem xét, thông qua, sẽ có cuộc họp báo cáo riêng về các quy hoạch này. Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về hai quy hoạch này. Do vậy, khó có thể hoàn thành cả hai quy hoạch này trong năm nay.

Với quy hoạch còn lại là quy hoạch của Đồng Nai và Bình Dương, Bộ đang tập trung đôn đốc và có thể kịp phê duyệt trong năm nay.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục yêu cầu phải đẩy nhanh công tác quy hoạch. “Quy hoạch phải đi trước một bước” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Các vướng mắc về quy hoạch cơ bản đã được giải quyết