Cách mạng 4.0 và “mệnh lệnh” đổi mới của ngành kế toán, kiểm toán

(BKTO) - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng 4.0) sẽ tác động lớn đến quy mô hoạt động, tương lai nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, DN dịch vụ kế toán và kiểm toán sẽ thua thiệt nếu không thay đổi tư duy, phương thức cung cấp dịch vụ cũng như vận dụng công nghệ mới vào hoạt động.




Ngành kế toán, kiểm toán chịu nhiều tác động từ Cách mạng 4.0 - Ảnh: Bùi Thảo
Lĩnh vực chịu nhiều tác động

Tại Hội thảo “Đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số” do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales phối hợp tổ chức mới đây, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho biết, Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn các kênh và phương thức huy động, phân phối vốn; phương thức tiếp cận vốn, tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính kế toán; quy trình thực hiện công tác kế toán và quy trình tổ chức thông tin tài chính kế toán. “Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, theo những cách thức mới trong toàn lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thanh toán” - ông Thanh khẳng định.

Những nhận định trên cũng tương đồng với kết quả khảo sát về mức độ quan tâm tới cuộc Cách mạng 4.0 do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam thực hiện đối với trên 300 hội viên. Kết quả khảo sát cho thấy, các DN kế toán và kiểm toán đều cho rằng Cách mạng 4.0 sẽ tác động lớn đến quy mô hoạt động và phát triển nghề nghiệp, không chỉ là thiết lập môi trường và tạo thêm công cụ mới giúp các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ mà còn mở rộng thị trường nhờ kết nối internet. Cách mạng 4.0 còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu, nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán và kế toán theo nhu cầu. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra với ngành kế toán, kiểm toán cũng rất lớn.

Theo bà Nurmazilah Dato’Mahzan - Tổng Giám đốc điều hành Viện Kế toán Malaysia, công nghệ số không chỉ tác động đến các DN kiểm toán lớn mà thậm chí ảnh hưởng nhiều hơn đến các DN kiểm toán nhỏ và vừa. Điện toán đám mây sẽ cho phép các DN kiểm toán nhỏ và vừa thực hiện các thủ tục kế toán và kiểm toán ở bất kỳ địa điểm nào.

Trong lĩnh vực kế toán, ông Vũ Ngọc Hoàng - Kiến trúc sư giải pháp phần mềm Oracle Việt Nam - dự báo, khoảng 66% DN nhỏ và vừa sẽ thay thế những dịch vụ mà kế toán viên hiện đang thực hiện bằng các dịch vụ đám mây, 50% DN nhỏ và vừa sẽ thay nhân viên kế toán nếu họ không thích ứng với công nghệ đám mây… “Kế toán số sẽ trở thành trụ cột để hỗ trợ các hoạt động thương mại với khách hàng, đồng thời kết nối thêm nhiều thành phần cốt yếu của DN” - chuyên gia công nghệ này nhấn mạnh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động

Bên cạnh những cơ hội mới được mở ra, các chuyên gia cũng cho rằng, những thách thức của ngành kế toán, kiểm toán trong thời kỳ công nghệ số chính là “mệnh lệnh” đổi mới của các ngành này để tránh nguy cơ bị tụt hậu.

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) - cho rằng, DN dịch vụ kế toán và kiểm toán, các kế toán viên, kiểm toán viên sẽ thua thiệt nếu không thay đổi tư duy, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, vận dụng công nghệ và hội nhập toàn cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm về sự phát triển của kế toán trong thời đại kỹ thuật số, bà Nurmazilah Dato’Mahzan cho biết, ngành kế toán toàn cầu mỗi năm chi khoảng 3 - 5 tỷ USD cho công nghệ như: phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận thức. Để thích ứng với công nghệ, kế toán viên trong thời đại số cần phải được trang bị bộ kỹ năng cần thiết, gồm: công nghệ, khả năng tiếp nhận thay đổi, giao tiếp tiếng Anh cùng bộ kỹ năng tư duy phản biện, chiến lược và phân tích.

Còn theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh, các quy trình kế toán cần được thiết lập và đổi mới, từ việc thu thập, xử lý và nhập dữ liệu chứng từ kế toán đến quá trình xử lý và kết xuất thông tin; nâng cao tính hữu ích của thông tin kế toán thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phân tích, đánh giá thông tin kế toán; tạo điều kiện thuận lợi cho kế toán viên, kiểm toán viên khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu kế toán một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, các DN trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cần cấu trúc lại chiến lược phát triển và có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn với kỹ năng ứng dụng CNTT phù hợp. Đồng thời, các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho việc phát triển ứng dụng kế toán, kiểm toán; đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, ưu tiên đào tạo CNTT chuyên sâu cho chuyên ngành kế toán, kiểm toán...

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018
Cùng chuyên mục
  • Tổng kết 30 năm thu hút FDI: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 04/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
  • Cơ chế tài chính hỗ trợ  khởi nghiệp sáng tạo
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có điểm xuất phát thuận lợi với nhiều nguồn vốn và tài trợ của quốc tế. Tuy nhiên, việc các bên liên quan còn thiếu thông tin và gặp trở ngại trong khâu đánh giá dữ liệu đã khiến cho các DN khởi nghiệp sáng tạo (startup) gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
  • Cần đảm bảo sự đồng bộ khi luật định về vai trò, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán thuế
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 27. Để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ của Dự thảo Luật Quản lý thuế với pháp luật về KTNN, KTNN đã có ý kiến tham gia góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.
  • Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) -Để đạt mục tiêu đẩy mạnh và phổ biến hơn nữa việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” diễn ra mới đây, các DN, các tổ chức tín dụng và các nhà quản lý đã tập trung bàn thảo nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công; tăng cường truyền thông nhằm thay đổi thói quen của người dân…
  • Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42: Nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) được củng cố…là những kết quả nổi bật được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg về xử lý nợ xấu, diễn ra ngày 28/8.
Cách mạng 4.0 và “mệnh lệnh” đổi mới của ngành kế toán, kiểm toán