Cải cách hành chính phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động

(BKTO) - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2020 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, chiều 24/6.



                
   

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

   

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến SIPAS và PAR Index không chỉ trong năm 2020 mà cả trong suốt thời gian qua đối với 2 chỉ số này. Các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, có nhiều đổi mới; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực tại nhiều Bộ, ngành và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, DN, đặc biệt trong hoàn cảnh phải chống chọi với dịch bệnh như hiện nay.

Công tác hiện đại hóa hành chính với việc vận hành hiệu quả Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa cơ các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, tạo hiệu ứng tích cực trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là, lãnh đạo của một số Bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách. Các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn những hạn chế nhất định; giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, DN.

Một số nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt yêu cầu. Triển khai xây dựng và duy trì cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo còn chậm. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích kết quả, hiệu quả chưa cao.

Tại địa phương, kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến mới đạt tỷ lệ 34,2%. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 chỉ đạt bình quân 23,03% so với tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận (trực tiếp và trực tuyến) của các TTHC thuộc phạm vi đánh giá.

Cải cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm

Đề cập đến phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC cả nước mà các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Đó là:

Căn cứ kết quả SIPAS năm 2020 và PAR Index năm 2020, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức; trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả CCHC thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các Bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền; việc họp trực tuyến và xử lý công việc trên môi trường điện tử; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo Bộ, ngành, địa phương tích hợp với tích hợp với Hệ thống báo cáo Chính phủ; tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phương pháp, nội dung, có cách làm mới trong đánh giá SIPAS và PAR Index cho phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các Bộ, các tỉnh./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Quyết liệt triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, Bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.
  • Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo của chương trình COVAX
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết; đồng thời đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương.
  • Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đến hết ngày 23/6, đối với ngân sách Thành phố Hà Nội, có 30 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của Thành phố, trong đó có 10 đơn vị chưa giải ngân. Đối với ngân sách quận, huyện, xã, phường, có 10 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của Thành phố...
  • Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán chuyên đề quản lý thuế
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề: Công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn, miễn, giảm, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020” do KTNN tổ chức sáng 25/6, các đại biểu đã điểm lại những kết quả kiểm toán nổi bật, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong tổ chức kiểm toán chuyên đề. Đồng thời tập trung chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán chuyên đề.
  • Hà Nội triển khai 262 cuộc thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2021
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan hành chính của TP. Hà Nội đã triển khai 262 cuộc thanh tra (thanh tra theo kế hoạch là 128 cuộc, thanh tra đột xuất 134 cuộc); kết luận 185 cuộc.
Cải cách hành chính phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động