Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế

(BKTO) - Việc cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu những năm gần đây đã chuyển biến song vẫn chưa đạt mục tiêu. Nhiều quy định, thủ tục vẫn đang làm khó DN. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đề án này nếu được thông qua sẽ giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả DN và nền kinh tế.




Việc cải cách quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu những năm gần đây đã chuyển biến song vẫn chưa đạt mục tiêu. Ảnh minh họa

Tăng 120 văn bản sau gần2 năm, 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa bị quản lýchồng chéo

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) - cho biết: Việc cải cách quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã chuyển biến song vẫn chưa đạt mục tiêu. Số mặt hàng phải quản lý, KTCN giảm từ khoảng 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000. Tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan còn khoảng 19,4% (mục tiêu là dưới 10%).

Cũng theo đại diện CIEM, điều đáng nói, sau gần 2 năm, tăng 120 văn bản về quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Số lượng văn bản quá nhiều, chất lượng văn bản chưa cao, nội dung thường xuyên thay đổi gây khó khăn, lúng túng cho cả DN và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng. Cách quản lý, KTCN chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” (trừ lĩnh vực hải quan) theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tình trạng quản lý chồng chéo vẫn còn, một mặt hàng phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành; có mặt hàng trong danh mục phải KTCN của Bộ này nhưng lại thuộc Bộ khác quản lý; có nhóm hàng được Bộ này cắt giảm thì Bộ khác lại đưa vào diện quản lý. Khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng hoá tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số, tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong thực hiện thủ tục quản lý, KTCN. Những vướng mắc, bất cập về quy định, thủ tục trong quản lý, KTCN vẫn đang là rào cản, gây tốn kém thời gian và chi phí cho DN. Chính vì vậy, Chính phủ yêu cầu phải khắc phục triệt để tình trạng này.

Doanh nghiệp và nền kinh tếcùng hưởng lợi

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Với mục tiêu đó, Đề án đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức. Theo mô hình mới, nhiều thủ tục kiểm tra được đơn giản hóa do nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng. Cơ quan hải quan có thể đưa ra quyết định thông quan hàng hóa nhanh chóng cho DN.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nếu thực hiện cải cách KTCN như Đề án trên, mỗi năm sẽ giảm 54,4% số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (chưa tính việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Việc thực hiện Đề án này còn giúp tiết kiệm chi phí hành chính cho DN gần 37,8 triệu USD (hơn 881 tỷ đồng) và cho nền kinh tế khoảng 399 triệu USD (trên 9.000 tỷ đồng) mỗi năm.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) - nhận định: Nếu việc KTCN được quy về 1 mối như Đề án thì các thủ tục hành chính sẽ giảm đi, nhờ đó, DN tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian, tạo tiền đề vững chắc cho việc số hóa công tác KTCN. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải đồng bộ hóa quy trình, hồ sơ cũng như yêu cầu kỹ thuật giữa các cơ quan, ban, ngành.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Pháp lý và Hải quan, Công ty DHL Việt Nam - cũng chia sẻ quan điểm: Khi dồn về 1 cơ quan thực hiện, cần đơn giản hóa thủ tục, quy định rõ thời gian KTCN. Đồng thời, nên áp dụng quy trình quản lý rủi ro, miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhóm 2 (có trị giá dưới 2 triệu đồng) được nhập khẩu với mục đích phi thương mại, sử dụng cho cá nhân.

Nhấn mạnh việc tiếp tục đồng bộ hóa quy trình và công nghệ thông qua chế độ một cửa quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong công tác KTCN, ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - khuyến nghị: Để làm được việc này, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan. Ngoài việc ban hành chính sách tạo thuận lợi thương mại đúng đắn và chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ phải đưa vào thực tế cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả. Đây là việc không một Bộ nào hoặc riêng cơ quan hải quan có thể làm thay được. Vì thế, vai trò của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại rất quan trọng. Tuy nhiên, Ủy ban cần có bộ máy giúp việc liên ngành được trao quyền và cơ quan hải quan đóng vai trò quan trọng.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế