Cải cách quản lý nợ công: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn

(BKTO) - Công tác quản lý nợ công về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để quản lý nợ công toàn diện và hiệu quả, việc từng bước áp dụng các thông lệ tốt trong quản lý nợ công theo chuẩn mực quốc tế là cần thiết, đồng thời cần tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay và có cơ chế giám sát các thể chế công tham gia vay vốn.




Nên thống nhất một đầu mối quản lý

Việc quản lý nợ công đã có một bước tiến. Trước đây, việc quản lý nợ công do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, thậm chí một số Bộ, ngành lớn vẫn ký được hiệp định vay vốn nước ngoài. Đến nay, việc quản lý nợ công đã thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn có 3 đơn vị cùng tham gia quản lý nợ công, đó là: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính. Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II, nên có một đầu mối thuộc Bộ Tài chính quản lý tập trung thống nhất, toàn diện và đầy đủ về nợ công để giảm thiểu thủ tục hành chính trong Bộ. Khi đó, thay vì kiểm toán đối với 3-4 đơn vị, KTNN chỉ kiểm toán một đầu mối.

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cũng thừa nhận, công tác quản lý nợ công tại Việt Nam đang thực hiện theo cơ chế phân công, phối hợp nhưng chưa chuyên môn hóa về một đầu mối. Để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, việc tăng cường áp dụng các công cụ quản lý nợ hiện đại và cơ chế quản lý rủi ro danh mục nợ đồng bộ, thống nhất, từng bước áp dụng các thông lệ tốt trong quản lý nợ công theo chuẩn mực quốc tế là cần thiết. Hiện nay, nhiều quốc gia đã lập Cơ quan quản lý nợ công (DMO) nhằm thực hiện nhất quán, đồng bộ, kiểm soát toàn diện rủi ro phát sinh từ việc vay nợ, thực hiện các chính sách quản lý nợ, kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ.

Ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam - cũng nhận định, cơ chế của Việt Nam trong quản lý nợ vẫn phân tán. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề thiếu nhất quán trong việc ra quyết định cũng như phát tín hiệu ra thị trường và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Do vậy, cần củng cố thể chế, cơ chế phối hợp trong quản lý nợ để tiến tới thống nhất chức năng quản lý nợ công. Ông Mike Williams - Chuyên gia Độc lập của IMF - cho biết thêm, thông lệ tốt của quốc tế là thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý nợ (DMO). Việc làm này nhằm đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch trong quản lý nợ công. Theo đó, DMO tập trung quản lý nợ, tách biệt giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Việc thành lập DMO cũng góp phần nâng cao năng lực, hiệu suất và hiệu quả quản lý nợ công theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp, tăng cường sự tập trung, tránh những quyết định thiếu nhất quán và linh hoạt hơn trong cơ chế tiền lương để giúp tuyển dụng và “giữ chân” cán bộ…

Tăng cường giám sát để phòng ngừa rủi ro

Theo TS. Lê Đình Thăng, hiện nay, Quốc hội quyết định trần nợ công và các nhà chính trị thường lo ngại về trần nợ công. Tuy nhiên, điều quan trọng trong quản lý nợ công và hiệu quả của việc vay nợ không phải là mức trần bao nhiêu mà là các khoản vay được sử dụng như thế nào. Nếu các khoản vay để đầu tư vào các dự án có thể tạo ra sự tăng trưởng, tạo ra sinh kế cho người dân để hoàn vốn, trả lãi và có lợi nhuận thì trần vay nợ không quá quan trọng. Một số quốc gia trên thế giới có tỷ lệ nợ công rất cao nhưng đó không phải mối quan ngại của họ. Chính vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo trần nợ công, phải đẩy mạnh việc quản lý, giám sát các khoản vay, đảm bảo vốn vay được sử dụng, phát huy lợi ích cao nhất. KTNN cũng đã kiểm toán việc hạch toán nợ, vay nợ… và thường xuyên khuyến nghị Chính phủ xem xét, rà soát, có thể loại bỏ hoặc giãn tiến độ các dự án để đảm bảo các khoản vay được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, KTNN cần kiểm toán để đánh giá việc quản lý, sử dụng nợ.

Cùng với việc tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay đối với các khoản vay của Chính phủ và khoản vay của chính quyền địa phương, cần có cơ chế quản lý, giám sát các thể chế công. Chẳng hạn, các đơn vị sự nghiệp công được quyền vay vốn ngân hàng nhưng rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp khối bệnh viện công tập trung chống dịch Covid-19 sẽ khiến các nguồn thu mới bị giảm dẫn đến khả năng trả nợ ngân hàng bị hạn hẹp. Do đó, theo TS. Lê Đình Thăng, ngoài việc kiểm soát nợ công theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, cần có cơ chế giám sát những thể chế công tham gia vay vốn để tránh xảy ra rủi ro hoặc nếu có thì trong hạn định, Chính phủ có thể kiểm soát được. Đây là những khuyến cáo trong dài hạn nhằm đảm bảo rằng tất cả thể chế công vay vốn đều được kiểm soát còn trong ngắn hạn hoặc trung hạn, vấn đề này không đáng lo ngại. Qua kiểm toán các đơn vị sự nghiệp công, KTNN vẫn khuyến cáo Bộ Tài chính phải thường xuyên kiểm soát các khoản nợ tiềm ẩn để tránh rủi ro trong quản lý nợ. Đây là vấn đề KTNN rất quan tâm trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo nợ công luôn trong tầm kiểm soát, tránh rủi ro bất thường có thể xảy ra.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, TS. Lê Đình Thăng còn cho biết, kết quả kiểm toán cho thấy, đấu thầu trái phiếu chính phủ chủ yếu là các tổ chức tài chính và các ngân hàng thương mại, chưa có sự tham gia của người dân. Vì vậy, Chính phủ có thể mở rộng các kênh bán lẻ trên thị trường chứng khoán để người dân có thể mua được trái phiếu chính phủ thuận lợi. Khi đó, giá bán trái phiếu chính phủ trên thị trường, giá vay của Chính phủ có thể sẽ giảm và sẽ tiết kiệm chi phí nợ cho Chính phủ./.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
  • Giải “bài toán” vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, nguồn vốn trung, dài hạn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động nặng nề tới các DN. Do đó, DN cần phải đẩy mạnh tái cấu trúc nguồn vốn, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, để có thể chủ động dòng tiền dài hạn phục vụ quá trình phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.
  • Co-opBank cần tăng cường kiểm toán nội bộ để phòng ngừa rủi ro
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, Co-opBank cần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong liên kết hệ thống với quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); tăng cường kiểm soát nội bộ để phát hiện, ngăn chặn rủi ro…
  • Thương mại song phương Việt Nam - Campuchia liên tục tăng trưởng mạnh
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 tại Xiêm Riệp, Campuchia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak.
  • Sản lượng tiêu thụ điện tháng 9 dự kiến lên tới 754,8 triệu kWh/ngày
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 8/2022 đạt 23,9 tỷ kWh. Lũy kế 8 tháng đạt 181,92 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ.
  • Cần đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2025
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 (Dự thảo). Tại Dự thảo đặt ra mục tiêu đạt 1,5 triệu DN vào năm 2025, tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cần đặt mục tiêu là 1,5 triệu DN đang hoạt động vào năm 2025.
Cải cách quản lý nợ công: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn