DN Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ nên rất hạn chế về nguồn vốn. Ảnh sưu tầm
Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng
Trong cơ cấu nguồn vốn của các DN, vốn trung, dài hạn là một cấu phần rất quan trọng, đó chính là nguồn lực để DN đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Để có nguồn lực hình thành các tài sản trên, DN có thể sử dụng nguồn vốn trung, dài hạn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vốn đầu tư của DN hoặc vốn huy động. Tuy nhiên, do DN Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn vốn chủ sở hữu, nên nguồn vốn trung, dài hạn của các DN thường được tạo lập thông qua hoạt động đi vay, trong đó phổ biến là vay từ hệ thống các ngân hàng thương mại.
Bình luận về thực tế trên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết, về lý thuyết, trong nền kinh tế hiện đại, các ngân hàng chủ yếu cho vay nguồn vốn có kỳ hạn ngắn, còn việc cung ứng các nguồn vốn có kỳ hạn dài hơn thường được thực hiện thông qua thị trường vốn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dư nợ tín dụng trung, dài hạn do các ngân hàng thương mại tạo ra hiện vẫn chiếm khoảng một nửa tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Cũng theo ông Lực, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng được tạo lập chủ yếu từ tiền gửi của khách hàng mà trong đó phần lớn là có kỳ hạn ngắn. Do đó, cơ cấu cho vay như trên tạo ra rủi ro rất lớn về thanh khoản cho từng ngân hàng nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục ban hành quy định điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn mà các ngân hàng thương mại được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, theo quy định hiện hành, từ ngày 01/10/2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ mức 37% như hiện nay xuống còn 34% và đến ngày 01/10/2023, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 30%. “Với việc các ngân hàng ngày càng bị siết chặt việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thì việc tiếp cận nguồn tín dụng trung, dài hạn của các DN thông qua hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng bị eo hẹp hơn” - ông Lực nhấn mạnh.
Đối với kênh huy động vốn trung, dài hạn của các DN thông qua thị trường vốn, theo Bộ Tài chính, hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong giai đoạn 2016-2021, quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Năm 2021, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Mặc dù thị trường vốn phát triển nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với những điều kiện chặt chẽ trong quy định pháp luật hiện hành đối với việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, thì thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu vẫn chưa thực sự trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn phổ biến cho các DN…
Doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa kênh huy động vốn
Theo các chuyên gia, hiện nay, sức ép tài chính đối với các DN là rất lớn để tái cấu trúc và phục hồi sau đại dịch Covid-19, do đó, việc cần chủ động tìm giải pháp để đa dạng hóa kênh huy động vốn trung, dài hạn, ngoài kênh tín dụng ngân hàng là một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các DN. TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, đối với những DN có quy mô nhỏ, không thể phát hành trái phiếu, có thể cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư mạo hiểm; trong đó, đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đây là trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào các DN nhỏ và vừa, nhất là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới nếu các dự án của DN có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - chia sẻ, đối với các DN đủ điều kiện phát hành trái phiếu, cần đẩy mạnh hình thức huy động nguồn vốn này, bởi ưu thế của trái phiếu DN là không bị quản lý nợ chặt chẽ như tín dụng ngân hàng, đặc biệt là có khả năng “đảo nợ” để kéo dài kỳ hạn trái phiếu, điều mà tín dụng ngân hàng không thể giải quyết được đối với các khoản vay lớn. Do đó, nếu DN có kế hoạch tài chính tốt, quản lý chặt chẽ tiến độ của dự án thì trái phiếu DN sẽ trở thành nguồn vốn trung, dài hạn quan trọng.
Đưa thêm khuyến nghị về kênh huy động vốn, ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam - cho rằng, các DN có thể tận dụng một phương thức huy động vốn đang dần phổ biến hiện nay là thuê tài chính, bởi đây là hình thức cấp tín dụng trung, dài hạn có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể, hình thức cấp tín dụng này thường không bắt buộc khách hàng phải thực hiện thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Mặt khác, với hình thức này, DN sẽ không bị áp lực tài chính khi phải tập trung nguồn vốn lớn để đầu tư tài sản mới. Thay vào đó, DN chỉ cần thanh toán tiền thuê tài sản hằng tháng trong thời hạn thuê, nên mặc dù có số vốn hạn chế, DN vẫn có thể mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, thuê tài chính là một phương thức tài trợ có tỷ lệ cung cấp vốn cao hơn các phương thức tài trợ tín dụng khác. Thông thường, khi vay vốn trung, dài hạn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng chỉ tài trợ tối đa 70-80% tổng giá trị tài sản. Trong khi đó, với hình thức thuê tài chính, DN thường được tài trợ 80-90%, thậm chí có thể được tài trợ lên đến 100% tổng giá trị tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển mở rộng hoạt động sản xuất.../.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, thị trường trái phiếu DN là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường vốn, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các DN. Tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu DN đạt khoảng 48%/năm. Đến cuối năm 2020, quy mô thị trường này đạt gần 16% GDP. |
DIỆU THIỆN