Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

(BKTO) - Hà Nội xác định công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa liên thông là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của Thành phố.

1dsytfh.png
Chỉ số Cải cách hành chính của Hà Nội năm 2022 tăng 7 bậc, từ thứ 10 lên đứng thứ 3/63 địa phương. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu

Từ năm 2021 đến quý I/2023, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành 71 Quyết định công bố TTHC, trong đó, ban hành danh mục 1.661 TTHC, thay thế 204 TTHC, bãi bỏ 1.584 TTHC.

Tính đến ngày 24/5/2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 14 Quyết định, công bố 87 TTHC nội bộ các lĩnh vực: Nội vụ, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kiểm soát thủ tục hành chính và Văn phòng, Giao thông Vận tải, Tài chính, Du lịch, Ngoại vụ, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Quy hoạch và Kiến trúc, Y tế…

Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cơ bản chặt chẽ, nề nếp, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. 

Việc tiếp nhận giải quyết TTHC được các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Tính từ năm 2021 đến quý I/2023, Hà Nội đã tiếp nhận hơn 8 triệu hồ sơ; đã giải quyết trước hạn, đúng hạn hơn 7,9 triệu hồ sơ, đạt 99,8%.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, đến hết năm 2022, Thành phố đã cơ bản hoàn thành các nội dung nhiệm vụ trong Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đặc biệt, đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%).

Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết TTHC theo hướng “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.

Đến nay, Thành phố đã ban hành Quyết định ủy quyền 531/617 TTHC, đạt tỷ lệ 86,06%; đã ban hành Quy trình nội bộ: 485/617 TTHC, đạt tỷ lệ 78,6%.

Đặc biệt, ngày 09/2/2023, UBND Thành phố đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Đối với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung, Thành phố đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; cấp trên 40.400 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc.

Trên 2 triệu văn bản đã được cập nhật, bảo đảm chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng hoàn toàn trên môi trường mạng; đồng thời, nâng tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc tại cấp quận, huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng trung bình đạt 80%...

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội về công tác kiểm soát TTHC và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo,
điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã rất nỗ lực trong hiện đại hóa phương thức cải cách TTHC.

Việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên đã góp phần cắt giảm các quy định TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác này; đẩy mạnh hơn nữa cải cách quy định TTHC; triển khai đổi mới trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, trong đó quan tâm, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC… để phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi nhất.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện TTHC; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.

Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 452/KSTT-KSTT ngày 23/5/2023. 

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực theo quy định tại Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không gây phiền hà cho người dân doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. 

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện công tác cải cách TTHC gắn với công cuộc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Cùng với đó, các đơn vị quán triệt thực hiện đơn giản hóa TTHC, cắt giảm TTHC, đặc biệt thực hiện việc ủy quyền giải quyết TTHC theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.

Các nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.../.

Cùng chuyên mục
Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số