Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

(BKTO) - Với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, việc xem xét ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho Thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như phát huy vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

a278ddc64b6b9535cc7a.jpg

Cần cơ chế đủ mạnh để phát triển TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Tháo gỡ điểm nghẽn, phát huy tiềm năng, lợi thế

Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất (hiện đang đóng góp khoảng 27%). Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. “Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, bên cạnh việc cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54, Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế ,chính sách tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến. Đặc biệt, Dự thảo đã đưa ra các cơ chế, chính sách mới, đột phá lần đầu tiên được quy định, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Một trong những chính sách được coi là điểm nhấn đột phá là TP. Hồ Chí Minh được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhận xét, TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thương của cả nước nhưng hạ tầng giao thông, đô thị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông phát triển, kết hợp quản lý đô thị, xây dựng khu đô thị mới, tạo quỹ đất công sẽ tạo điều kiện cho Thành phố phát triển nhanh với nhiều công trình mang tầm vóc quốc tế. Với cơ chế mới này, việc phát triển giao thông cùng với xây dựng các khu đô thị đi kèm khi giải phóng mặt bằng sẽ giúp Thành phố xây dựng được những khu đô thị hiện đại, văn minh.

Cần cơ chế đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm

Khẳng định việc ban hành cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh là cần thiết, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh việc thiết kế các cơ chế, chính sách cần đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm để thực sự tạo đột phá cho TP. Hồ Chí Minh phát triển.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết. Nghị quyết cần được xây dựng chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

 Những cơ chế đột phá cần đi đôi với việc xác định năng lực thực hiện, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam

Đặc biệt, cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”, tập trung nguồn lực và cơ chế để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển Thành phố, không nên quá dàn trải. Nếu nguồn lực bị phân tán thì năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, không hiệu quả. Các giải pháp phải hướng đến những “địa chỉ” cụ thể, như: Xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào; thời gian dự kiến bao lâu; quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Trong đó, Thành phố cần chú trọng mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian cũ.

Đáng chú ý, theo đại biểu, cơ chế ưu đãi đầu tư phải thiết kế khoa học, tránh những cơ chế tương tự như các địa phương khác; trong đó tính đến những chính sách toàn cầu mới, như thuế tối thiểu toàn cầu và chuyển đổi xanh, nâng cao tính sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đến cơ chế bền vững, như chuyển giao công nghệ, đào tạo người lao động…

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) nhận xét, hiện số lượng chính sách đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết tương đối nhiều, nhưng ít có sức nặng mang lại yếu tố đột phá. Do đó, cần nghiên cứu đề xuất chính sách có tính tháo gỡ, đột phá cao, tránh dàn trải; đồng thời phải đánh giá tính phù hợp thực tiễn, khả thi và có thể mang lại tác động rõ rệt.

Quan tâm đến cơ chế, chính sách để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) chỉ rõ, để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế hoàn chỉnh thì cần hoàn thiện ba trụ cột cốt lõi. Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại, thiếu ngân hàng đầu tư chuyên hoạt động trên thị trường vốn, thị trường tài chính trung và dài hạn. Thứ hai, trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, chủ yếu là ngành bất động sản. Thứ ba, trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh thì hoàn toàn chưa có.

Để hoàn thiện các trụ cột này, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, cũng như có các cơ chế ưu đãi đủ mạnh và phù hợp cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có đầy đủ năng lực để đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh