Tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, trong tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục khi các địa phương chia sẻ đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng cực kỳ khó khăn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua, quán triệt chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực và có những thành công bước đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.
Chỉ tính riêng về tinh giản biên chế đối với công chức giai đoạn 2017-2021, cả nước đã giảm được 10,01%; đối với viên chức đã giảm được 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó ngành giáo dục giảm 6,4%...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thừa nhận, thực tiễn vừa qua, nhiều địa phương thực hiện việc giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách một cách cơ học, dẫn đến thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp. “Nhiều địa phương khi thực hiện việc giảm biên chế thì lại cắt hẳn biên chế đi” - Bộ trưởng cho biết.
Lưu ý giáo dục là ngành có tính đặc thù, nên việc thiếu giáo viên thường xuyên diễn ra, Bộ trưởng Trà thông tin thêm, khi chúng ta thực hiện giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, ngành giáo dục càng khó khăn.
Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Cần thống nhất về mặt nhận thức việc thực hiện quyết liệt để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo được số lượng người làm việc, tức là thúc đẩy tự chủ.
Đối với ngành giáo dục, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng cần tập trung rất cao cho việc rà soát, hoàn thiện một số hệ thống thể chế. Trong đó, việc ban hành Luật Nhà giáo tới đây là điều kiện để có giải pháp bảo đảm được những vấn đề cơ bản nhất cho ngành giáo dục, nhất là vấn đề giáo viên.
Dự kiến từ ngày 01/7/2024, sẽ có 6 nội dung cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Khẩn trương hoàn thiện khung vị trí việc làm
Cũng liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu đề cập, kiến nghị đó là sớm hoàn thiện khung vị trí việc làm.
Nêu vấn đề này tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc xây dựng vị trí việc làm rất quan trọng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu Phạm Thị Kiều, Bộ trưởng Trà thừa nhận, việc triển khai xây dựng vị trí việc làm còn chậm, dù Trung ương tích cực đôn đốc và xác định việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương nói riêng, cho việc quản lý, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, xác định chức nghiệp công vụ nói chung.
“Việc xây dựng vị trí việc làm để chúng ta thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, đáp ứng được tinh thần triển khai chính sách cải cách tiền lương từ 01/7/2024” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm: đối với cơ quan tổ chức hành chính có 866 vị trí; đơn vị sự nghiệp có 615 vị trí; cán bộ công chức cấp xã có 17 vị trí. Đặc biệt, với các chức danh vị trí lãnh đạo, đến nay, đã có Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, tổng số lượng là 232 vị trí (từ Trung ương đến cấp xã).
“Tới đây, Bộ Nội vụ cũng sẽ đề nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế giải quyết nhanh để đảm bảo được việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước” - Bộ trưởng cho biết.
Bộ Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ về vị trí việc làm trong hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm triển khai kịp thời trong thời gian tới, để các Bộ, ngành, địa phương hoàn tất được vị trí việc làm trong thời gian sớm nhất, từ đó có thể thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương mà Quốc hội sẽ quyết định trong kỳ họp này.
Từ đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao để kịp thời thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội để bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo Bộ Nội vụ, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương vẫn còn hạn chế như: Chưa thể chế hóa kịp thời, đồng bộ các nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách tiền lương; hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời và chưa đồng bộ; việc đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra../.