Cán bộ kiểm tra phải liêm, phải sạch

(BKTO) - Quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng là công việc hết sức quan trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong quá trình sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam.

can-bo-kiem-tra.jpg
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: TTXVN

Hồ Chí Minh xác định: “Lãnh đạo phải có kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Người luôn chỉ rõ vai trò của đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp của Đảng, chỉ ra những yêu cầu, nhiệm vụ mà cán bộ kiểm tra phải rèn luyện, phấn đấu: “Cán bộ kiểm tra phải học tập, thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trao đổi đạo đức cách mạng.

Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đặc biệt phải nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật… làm gương mẫu trong mọi việc chấp hành kỷ luật của Đảng, phải chí công, vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế mới làm tốt được công tác kiểm tra”.

Hồ Chí Minh còn quan tâm, căn dặn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ về công tác kiểm tra để làm sao cho đúng đắn nhất, hiệu quả nhất. Theo Người: “Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”.

Người nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, chỉ rõ việc phê bình phải rất cụ thể, phù hợp, hiệu quả và có tính xây dựng cao.

Người yêu cầu: “Đối với cán bộ sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa?”.

Người nhắc nhở, muốn cho người có sai lầm, khuyết điểm thành tâm sửa chữa, thì phải chú ý giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm, khuyết điểm của mình, làm cho họ “vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng.

Chủ trương của Đảng luôn coi trọng và duy trì chặt chẽ hoạt động kiểm tra, coi trọng ý nghĩa nhiều mặt của công tác kiểm tra: “Công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt”. Việc xây dựng, củng cố, tăng cường về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm tra cũng được Đảng hết sức quan tâm với những chủ trương, mục tiêu, yêu cầu cụ thể, sát thực.

Ngày 01/10/2019, Bộ Chính trị có Thông báo số 156 - TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong đó đề ra: “Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa”.

Những nỗ lực trong công tác kiểm tra và cố gắng của đội ngũ cán bộ kiểm tra đã đóng góp rất tích cực vào sự trưởng thành, phát triển của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải được sửa chữa, khắc phục kịp thời để đáp ứng yêu cầu của Đảng và cách mạng trong tình hình mới.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, vào ngày 27/11/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tình hình còn có những diễn biến phức tạp, khó lường; công tác kiểm tra, giám sát của chúng ta còn không ít hạn chế, khuyết điểm”, do đó “Công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng cần phải được tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, hiệu quả cao hơn nữa, không được tự thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được”.

Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra; phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra yêu cầu: “Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”.

Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan kiểm tra, cán bộ kiểm tra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Các đồng chí lãnh đạo Đảng luôn xác định: “Phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan, các cá nhân những người chống tiêu cực.

Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác”. Đồng thời, Đảng yêu cầu cán bộ kiểm tra phải: “Thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra những khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra với đội ngũ cán bộ kiểm tra: “Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Đó là những thách thức không nhỏ”.

Để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đội ngũ cán bộ kiểm tra cũng như các cơ quan, cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khác, phải tự giác rèn luyện phấn đấu vươn lên; Đảng phải có cơ chế, chính sách phù hợp, nhân dân phải có sự giám sát, hỗ trợ, giúp sức nhằm tạo ra sức mạnh to lớn để họ trưởng thành, phát triển vững mạnh hơn.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc”.

Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng vào công tác kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra - “những Bao Công trong thời đại mới” - sẽ ngày càng vững mạnh, trong sáng, bản lĩnh hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đảng, nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ kiểm tra - người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong Đảng”./.

Cùng chuyên mục
Cán bộ kiểm tra phải liêm, phải sạch