Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh” do Tạp chí Diễn đàn DN thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 27/10.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: D.THIỆN |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong suốt 2 năm qua, đặc biệt là trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến chủng Delta diễn biến nhanh, phức tạp đã khiến cho nhiều DN kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ...
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Vinh cho biết, trong 9 tháng năm 2021, đã có trên 90 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể. Như vậy, bình quân mỗi tháng có hơn 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.
“Bức tranh chung về cộng đồng DN có nhiều màu xám do sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động của DN và gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên DN. Do đó, để cộng đồng DN có thể phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần đồng bộ và thống nhất để những chính sách này cộng hưởng sức mạnh” - ông Vinh nhấn mạnh.
Đề cập đến các chính sách hỗ trợ DN trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng cần sự kết hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đồng thời cần có cơ chế đặc biệt cho ngân hàng xem xét hỗ trợ DN.
Chia sẻ cụ thể, ông Hùng cho biết, tất cả những khoản nợ mà DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn, nên việc xem xét cho vay mới là khó khăn đối với các tổ chức tín dụng.
“Trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các DN vay trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi DN doanh thu giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu..., vì vậy cần có cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ DN” - ông Hùng nhấn mạnh.
ÔngNguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: D.THIỆN |
Cùng với đó, ông Hùng cho biết, dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì phải đi cùng giảm lãi suất huy động, nhưng nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản.
“Thực tế người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm, nếu người dân lựa chọn đầu tư vào các kênh đầu tư khác thì các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn trong huy động vốn. Do đó, những khó khăn nhìn từ góc độ ngân hàng cũng cần phải có biện pháp tháo gỡ để ngân hàng có thể đồng hành cùng DN” - ông Hùng nói.
Đề cập đến dư địa chính sách tài khóa, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn và các cân đối lớn như thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách, lạm phát… vẫn trong ngưỡng an toàn. Do đó, Nhà nước có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng, để gia tăng hỗ trợ DN phục hồi trong bối cảnh hiện nay.
Từ góc độ hiệp hội, ông Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách tiếp tục giảm phí, lệ phí cho các DN, theo hướng điều chỉnh mức giảm và thời gian cắt giảm phí, lệ phí nên kéo dài đến hết năm 2022./.
DIỆU THIỆN