Cần có giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, sáng 28/8.



                
   

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

   

Hoàn thành mục tiêu kép

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, ngành đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ.

Từ kinh nghiệm của năm học trước, Bộ đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục đại học triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá; bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tích cực tham gia cùng địa phương và cả nước trong các hoạt động phòng chống dịch.

Báo cáo của Bộ cũng nhấn mạnh những kết quả về tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn. Chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo…

Bộ xác định các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022, theo đó, chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành giáo dục thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. Phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp…

Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định quyết tâm cao để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Nhiều khó khăn, vướng mắc được nêu ra tại Hội nghị đã được lãnh đạo các Bộ, ngành và đích thân Thủ tướng Chính phủ giải đáp, gợi ý hướng giải quyết.

Đảm bảo công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sự nghiệp giáo dục, Hội nghị cần có những giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới với sự cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong thời khắc khó khăn này.

Theo đó, Hội nghị tập trung giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, các vấn đề của kế hoạch năm học 2021-2022. Thứ hai, giải quyết vấn đề đang tồn tại của ngành gắn với mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục.

Về kế hoạch năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp. Tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vaccine cho giáo viên. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.

Các địa phương không có dịch (vùng xanh) chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học.

Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường. Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Một việc tưởng chừng nhỏ nhưng Thủ tướng đề nghị các đại biểu quan tâm, đó là trong đại dịch, nhiều gia đình không có thu nhập nên ảnh hưởng đến bữa ăn và chế độ dinh dưỡng của các cháu, đặc biệt là độ tuổi đang phát triển. Cần có chính sách hỗ trợ các trường bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú hoặc hỗ trợ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để phát triển thể chất tốt hơn cho các cháu. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu, duy trì, phát triển mô hình bán trú dân nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.

Giảm bệnh thành tích để đạt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”

Thủ tướng nêu rõ, năm học 2011-2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021-2026. Ngành giáo dục cần hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý IV năm nay cùng Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục…

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát quy hoạch xây dựng gắn với không gian xây trường học phù hợp, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, với tầm nhìn xa, hiện đại.

Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương phối hợp rà soát cơ chế, chính sách phân bổ giáo viên và triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng cho phù hợp. Cần có giải pháp tổng thể giảm bệnh thành tích trong giáo dục để đạt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thu hút nhân tài, “học gắn với hành”, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, từ đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp.

Thủ tướng yêu cầu giảm tình trạng dạy thêm học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ… Sớm công bố phương án kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị. Nghiên cứu kỹ vấn đề tự chủ giáo dục.../.
HỒNG NHUNG


Cùng chuyên mục
Cần có giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới